Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “cam kết” công khai chi phí chương trình SGK mới

TPO - “Chúng tôi cam kết với Quốc hội, từng năm một sẽ công khai chi phí này để giải toả phát biểu là chi rất nhiều tiền”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ

Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu băn khoăn có hay không sự lãng phí khi tiếp tục lùi chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới.

“Đề án hiện đã được thực hiện 3 năm, vậy trong thời gian ấy, chúng ta làm được bao nhiêu sản phẩm? Đã chi hết bao nhiêu tiền và đến nay còn bao nhiêu? Tôi đồng tình lùi thực hiện 1-3 năm, nhưng đừng phát sinh thêm kinh phí. Một đồng thuế của dân cũng phải tiết kiệm. Chúng ta làm phải có hiệu quả”, ông Cầu nêu.

Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, giáo dục phổ thông rất quan trọng và chương trình, sách giáo khoa (SGK) là yếu tố đặc biệt quan trọng. Dẫn lại lịch sử, ông Nhạ khẳng định, đây là lần đầu tiên có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, từ đó mới có chương trình từng môn học, viết SGK để giáo viên giảng dạy. SGK lần này cũng chuyển từ phương thức truyền thống là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực học sinh, khai phóng, thực học, thực nghiệp, dân chủ trong giáo dục.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu

Mặc dù đổi mới, song theo ông Nhạ vẫn phải kế thừa, phù hợp với điều kiện đất nước, khắc phục những bất cập. Quan trọng nhất là đổi mới phương pháp, có sự liên thông, không chia cắt môn học. Những kiến thức nền tảng, căn bản là ổn định, còn lại tạo độ mở, để các địa phương chủ động 20% kiến thức.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong quá trình chuẩn bị để đến năm học 2019 – 2020 thực hiện, thì ngành giáo dục đã từng bước đổi mới, kể cả ở những vùng sâu xa, bảo đảm không có sự bỡ ngỡ. Cũng không phải chờ đầy đủ cơ sở vật chất mới dạy mà bảo đảm ở đâu đủ điều kiện thì triển khai sớm. “SGK cũng không phải là bất di bất dịch mà có độ mở để giáo viên sáng tạo, dạy những kiến thức ngoài. SGK có hay đến đâu mà giáo viên không tốt cũng khó thành công”, ông Nhạ cho hay.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đối với chương trình, đến nay mới “tiêu” được 48,8 tỷ đồng, như vậy mới tiêu được hơn 2 triệu USD, chưa tiêu được nhiều. Còn đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới tiêu 2,3 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng mới tiêu được hơn 50 tỷ đồng, còn lại mới đang trong kế hoạch. “Chúng tôi cam kết với Quốc hội, từng năm một sẽ công khai chi phí này để giải toả phát biểu là chi rất nhiều tiền”, ông Nhạ khẳng định.