Ngày 14/2, tại “Hội nghị Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới”, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho biết, sau khi Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khắt khe, các hoạt động giao thương đi lại, hàng hóa tại một số cửa khẩu trên Lạng Sơn đã dần được khôi phục.
Đến nay, Lạng Sơn duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu gồm Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng. Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1 đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, trái cây.
Tuy nhiên, theo ông Thiệu, hoạt động khẩu vẫn gặp một số vướng mắc như: Số lượng xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng; một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự…
Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương - cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,3%.
Còn với thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, sau Mỹ và Nhật Bản. Do đó, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững, và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này.
Theo ông Sơn, hiện xu hướng tiêu dùng tại Trung Quốc thay đổi nhanh, đòi hỏi những sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
“Đặc biệt, người dân và doanh nghiệp cần chuyển nhanh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc...của thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn, hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. Nhưng do chúng ta chưa ký kết được Nghị định thư nên giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây này chưa tương xứng với tiềm năng”, ông Sơn nói.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, dù Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông thủy sản Việt Nam thuộc nhóm lớn nhất, nhưng trong một số giai đoạn, thương nhân Việt vẫn còn tư duy buôn chuyến sang thị trường này để kiếm lời.
Dẫn câu nói của Hồ Tuyết Nham, một thương gia nổi tiếng của Trung Quốc thế kỷ 19, rằng “Nếu tầm nhìn trong thiên hạ, chúng ta có thể buôn bán trong cả thiên hạ”, vị tư lệnh ngành nông nghiệp bày tỏ mong muốn người Việt Nam nghiên cứu, học hỏi những triết lý buôn bán của nước bạn như: Buôn có bạn bán có phường, Một lần bất tín vạn lần bất tin, Trăm người bán vạn người mua…
“Người dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, doanh nghiệp bỏ từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương. Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài”, Bộ trưởng Hoan bày tỏ.
Nhấn mạnh thông điệp “Chính phủ luôn đề cao thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Ông cho rằng thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc "buôn bán có lãi một vài chuyến", mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.
"Với thị trường Trung Quốc, các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân cần đồng lòng nỗ lực đưa giao thương với Trung Quốc gấp 10, gấp 100 lần hiện tại", ông Hoan kỳ vọng.
Tại hội nghị, ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhập khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam rất được chú ý.
Theo ông Siêu, việc Trung Quốc ban hành Lệnh 248 và 249 (quy định quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài) dựa trên các quy định trước đó của Trung Quốc, hoàn toàn không phải “chuyện bất ngờ”.
“Chúng tôi cũng đã tham khảo các cơ quan liên quan, gồm cả WTO. Hai lệnh này được coi là kim chỉ nam trong hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc".
Ông Siêu đề nghị các doanh nghiệp hai nước cần thường xuyên truy cập vào website chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cập nhật các quy định, đảm bảo nông thủy sản xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn đưa ra.