Dự hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy, cùng lãnh đạo UBND một số tỉnh/thành phố. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với điểm cầu chính ở Hà Nội và 63 Sở GD&ĐT.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, năm học vừa qua ngành Giáo dục đối mặt với khó khăn, thách thức khi vừa nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục nhưng chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; tình trạng thừa, thiếu giáo viên đã có thêm giải pháp khắc phục.
Kết quả các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đạt kết quả cao. Cụ thể, các đội tuyển giành được 11 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 12 Huy chương đồng và 5 Bằng khen136. Thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường; đồng thời, khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: tình trạng thiếu giáo viên; tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn, các khu đông dân cư; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả; tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận; và vẫn còn đầy thách thức, nhiều khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục trong thời gian sắp tới.
Báo cáo tổng kết năm học của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy năm học 2022-2023 là năm triển khai Chương trình phổ thông mới, đặc biệt đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; cũng là năm đầu tiên tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc đối với lớp 3. Các địa phương đã tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, bố trí giáo viên linh hoạt, điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái giáo viên cấp THCS giảng dạy tại các trường.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như: hầu hết các cơ sở giáo dục không có tổ hợp môn học và chuyên đề học tập lựa chọn có môn Âm nhạc, Mĩ thuật do chưa có giáo viên. Việc chuyển đổi môn học hoặc chuyển trường đối với học sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 khó khăn hơn so với học sinh. Việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi vẫn còn có biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất.
Vẫn còn có một số cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lồng ghép việc bán SGK đi kèm với sách tham khảo, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và xã hội. Nhiều xuất bản phẩm đang sử dụng không phù hợp với Chương trình GDPT 2018.
Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 – 2022.
Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp. Việc yêu cầu tinh giản biên chế 10% đã làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục. Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục là một thách thức lớn đối với ngành Giáo dục.
“Bạo lực học đường còn xảy ra ở nhiều nơi, việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh để tự bảo vệ trước các vấn đề về bạo lực học đường chưa được đầy đủ, toàn diện. Công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh, đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh học tập, rèn luyện chưa thực sự hiệu quả”, báo cáo của Bộ GD&ĐT nêu.