Màn ảnh Nhật Bản nổi tiếng với những bộ phim kinh dị đem lại nỗi ám ảnh khiếp sợ cho người xem như Uzumaki - Lời nguyền xoắn ốc (2000), Suicide Club - Câu lạc bộ tự sát (2001),Tag - Trò chơi ma quỷ(2015), The Ring (Ringu - Vòng tròn oan nghiệt- 1998), Ju-On, Audition – Buổi thử giọng kinh hoàng (1999), Tomie: Forbidden Fruit – Trái cấm (2002)... Tác phẩm Door (Đừng mở cửa) cũng là bộ phim kinh dị đáng xem từ đạo diễn nổi tiếng Banmei Takahashi.
Bộ phim có số phận trôi nổi gian nan khi nó vốn được sản xuất từ năm 1988 nhưng sau đó bị mất hết dữ liệu. Đến năm 2023, phim mới được tìm thấy và khôi phục.
Đạo diễn Banmei Takahashi đã khéo léo lồng ghép các hình ảnh mang tính ẩn dụ xuyên suốt bộ phim, thể hiện nhiều khía cạnh tình dục và bạo lực trong mối quan hệ nam nữ của xã hội bấy giờ.
Door xoay quanh nhân vật Yasuko Honda (do nữ diễn viên Keiko Takahashi đóng, cô cũng chính là vợ đạo diễn Banmei Takahashi), một người phụ nữ nội trợ kiểu Nhật thường xuyên ở nhà một mình khi người chồng dành phần lớn thời gian cho công việc và một cậu con trai đi học. Cô phải chịu đựng nhiều người bán hàng hay tư vấn bán hàng qua điện thoại làm phiền.
Khi một người đàn ông tên Yamakawa (do nam diễn viên Daijiro Tsutsumi đóng) gõ cửa giới thiệu sản phẩm, Yasuko đã khá hoảng sợ và đóng sầm cánh cửa làm đau tay anh ta. Từ đó, Yasuko trở thành mục tiêu săn đuổi của Yamakawa.
Khi xem bộ phim này, sẽ có rất nhiều người tự hỏi, liệu rằng ai là người biến thái nhất của bộ phim? Là bà nội trợ xinh đẹp, thời thượng Yasuko Honda? Hay là tên rình rập Yamakawa có khuôn mặt thư sinh? Những người hàng xóm lạnh lùng vô cảm? Thậm chí cả đứa con của Yasuko Honda cũng sẽ khiến cho khán giả đặt câu hỏi nghi vấn.
Ngoài ra, phim còn thu hút khán giả bởi yếu tố tâm lý tình dục, thể hiện qua mối quan hệ giữa Yasuko và Yamakawa qua nhiều ngôn ngữ điện ảnh được khéo léo lồng ghép trong phim. Vì vậy, phải thật chú ý thì người ta mới thấy được hết những ẩn dụ mà vị đạo diễn khéo léo cài cắm trong phim, đồng thời đặt luôn nghi vấn, vậy ai trong số những nhân vật trên mới là kẻ biến thái thật sự.
Mặc dù bộ phim được sản xuất cách đây hơn 30 năm nhưng góc máy và bối cảnh khá tiệm cận với xã hội ngày nay. Kỹ thuật làm phim và cách kể chuyện của Takahashi rất hiện đại nên dù ra đời cách đây 30 năm, nó vẫn là tác phẩm "sống mãi" theo thời gian.
Với bối cảnh là một chung cư cũ, mang màu sắc hoài cổ, trên nền âm nhạc Hong Kong của những năm thập niên 1980 đã mang đến cho Door một sự hấp dẫn kỳ lạ về nỗi sợ hãi, ham muốn bên trong của một người phụ nữ Nhật Bản được gắn mác "nội trợ". Đồng thời cũng nhấn mạnh khía cạnh muốn được khẳng định, đam mê quyền lực của những kẻ như Yamakawa.
Ngay cả bố trí giữa nội ngoại thất của Door cũng mang lại sự ẩn dụ trong lối kể chuyện của phim. Ngôi nhà của gia đình Honda bài trí lộn xộn, chật chội, phòng ốc liền nhau... làm gia tăng sự hồi hộp trong những cảnh theo dõi, đột nhập, rình rập. Trên một số diễn đàn mê phim kinh dị của Nhật, hay Mỹ, người xem nhận định với Door - là một khóa học "92 phút" đầy thú vị cho bất kỳ ai muốn xem bố cục ảnh hưởng thế nào tới tâm lý, ngay cả khi đó là thứ đơn giản như sắp xếp đồ đạc trong hành lang.