> Cận cảnh những 'khu đất vàng' thành bãi gửi xe, sân bóng …
Khu vực sầm uất nhất của quận Thanh Xuân là tuyến đường Lê Văn Lương. Tại đây, từ giữa năm 2004, UBND TP Hà Nội phê duyệt kết quả đầu tư các dự án thí điểm xây dựng nhà cao tầng cho thuê tại các ô đất hai bên tuyến đường này. Thế nhưng, hơn 8 năm nay, một số chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện thủ tục sử dụng đất để thực hiện dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh vừa có văn bản yêu cầu trước ngày 15-8, Sở TNMT rà soát kết quả kiểm tra, kết luận cụ thể những vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đối với từng ô đất, làm căn cứ lập hồ sơ thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai; kiểm tra, kết luận các trường hợp được giao đất nhưng quá 12 tháng chưa đưa đất vào sử dụng, đề xuất xử lý vi phạm.
Cụ thể, ô đất ký hiệu 3.10-NƠ Láng Hạ - Thanh Xuân có diện tích 11.255m2, do Cty TNHH nhà nước MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội được giao làm chủ đầu tư từ năm 2008 song tới nay đang sử dụng sai mục đích như cho thuê làm gara ô tô; bãi rửa xe; cửa hàng...
Tương tự, tại ô đất ký hiệu 3.7 - CC Láng Hạ- Thanh Xuân, có diện tích 9.984 m2, Cty CP Hacinco hiện chưa thực hiện xong thủ tục đầu tư xây dựng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, còn hiện trạng khu đất “vàng” là cỏ mọc kín.
Tại khu “tam giác” phát triển nhất của phía Tây Hà Nội, hiện rất nhiều khu đất “vàng” nằm ở các khu đô thị mới như Nam Trung Yên, KĐT Mỹ Đình II, KĐT Đông Nam Trần Duy Hưng hay khu đấu giá quyền sử dụng ở quận Cầu Giấy đều trong tình trạng bị bỏ hoang hoặc bị cho thuê, sử dụng sai mục đích.
Đơn cử, từ cuối năm 2006, TP có quyết định giao cho liên danh là Cty CP xây dựng công nghiệp-ICC và Cty CP tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội-UAC sử dụng hơn 300 nghìn m2 đất để thực hiện xây dựng hạ tầng KĐT Đông Nam Trần Duy Hưng.
Tuy nhiên, hiện có 19.416m2 được cho thuê để làm bãi đỗ xe, sân bóng mini, cửa hàng thu gom phế liệu, quán ăn, gara sửa ô tô.
Còn tại khu đất D2, Ban quản lý dự án quận Cầu Giấy lại cho tư nhân thuê sử dụng 1.198 m2 làm gara ô tô, rửa xe, quán ăn.
Khu đất xây dựng trụ sở các tổng công ty tại KĐT mới Cầu Giấy có diện tích trên 40 nghìn m2, hiện cũng đang sử dụng làm gara ôtô, sân bóng; Dọc hai bên đường Phạm Hùng thuộc địa phận huyện Từ Liêm và quận Cầu Giấy, một loạt khu đất “vàng” ký hiệu CC3; TH2 với hàng nghìn m2 cũng đang bị cho thuê, sử dụng sai mục đích.
Nguy cơ bị thu hồi
Điều đáng nói, những khu đất “vàng” vi phạm trên là của những đại gia trong lĩnh vực BĐS như: Tổng Cty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex); Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD); Tổng Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội; Tổng Cty Xây dựng Hà Nội; Cty CP Xây dựng dân dụng Hà Nội... Ngay cả địa bàn quận Tây Hồ, hiện đang tồn tại hàng loạt khu đất diện tích từ vài nghìn đến hàng chục nghìn m2 do các đại gia đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) rồi để hoang 5 đến 8 năm nay.
Cụ thể, hàng loạt ô đất Dl, D3, D5, D6, D7 và D9 trong khu đấu giá QSDĐ tại 2 phường Phú Thượng và Xuân La được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 từ năm 2004 nhưng hiện vẫn để cỏ mọc, hoang hoá nhiều năm nay như khu đất “vàng” ô D1 rộng 8.798 m2 do Cty CP Lắp máy- Điện nước và Xây dựng (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội) làm chủ đầu tư; khu D3 rộng 17.127 m2 của một số vị quản lý...
Sở TNMT Hà Nội cho biết, đối với các khu đất đấu giá QSDĐ nhưng đến nay còn bỏ hoang sẽ căn cứ vào bản quy chế đấu giá để xử lý vi phạm.
“Theo quyết định 29 của thành phố Hà Nội, người trúng đấu giá đã được bàn giao đất mà trong thời hạn 12 tháng không tiến hành xây dựng sẽ bị thu hồi đất để đấu giá lại hoặc giao đất theo quy định. Ngoài ra, nếu sử dụng đất sai mục đích cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật đất đai” - Một lãnh đạo Sở TNMT nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm tại các quận, huyện, phải tiếp tục kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện đối với các dự án đã được giao chủ đầu tư.
“Nếu dự án không triển khai do nguyên nhân khách quan hoặc lỗi do các cơ quan chức năng, cần đề xuất các biện pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ. Đối với các trường hợp vi phạm, không có khả năng thực hiện thì đề xuất thu hồi, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án theo quy định của pháp luật” - Ông Khanh yêu cầu.
Ngoài ra, TP cũng chỉ đạo thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại những khu đất mà các chủ đầu tư được giao quản lý nhưng hiện nay sử dụng sai mục đích và yêu cầu đơn vị cho thuê sai mục đích phải chấm dứt cho thuê và nộp số tiền cho thuê sai mục đích vào ngân sách nhà nước.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, Hà Nội có đủ cơ sở pháp lý để thu hồi những khu đất bỏ hoang, vi phạm hiện nay.
“Việc thu hồi đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích đã được đặt ra rất nhiều lần và trong nhiều năm nhưng thiếu sự quyết liệt trong xử lý thực hiện. Hà Nội cần kiên quyết trong giám sát và xử lý vi phạm để chấm dứt tình trạng này” - Ông Võ nhấn mạnh.