Bộ Giáo dục siết xét tuyển sớm: Học sinh, nhà trường cùng tăng áp lực?

TPO - Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non có điểm thay đổi tác động lớn tới số thí sinh dự định xét tuyển sớm có thể gây tâm lý bất ngờ, lo lắng cho các em.

Tác động lớn tới số thí sinh dự định xét tuyển sớm

Bỏ ra 2-3 năm cùng vài chục triệu đồng, Mạnh Kỳ (Thường Tín, Hà Nội) đã có trong tay chứng chỉ IELTS đạt 7.0. Nhưng mấy hôm nay em lo lắng đến mất ngủ vì thông tin Bộ GD&ĐT đưa ra dự kiến siết xét tuyển sớm. Nếu như mọi năm, với chứng chỉ quốc tế và điểm học bạ tầm 9.0, em hoàn toàn có cơ hội lựa chọn để tham gia xét tuyển sớm vào năm tới.

Việc thay đổi này khiến Kỳ cũng như hàng chục bạn khác trong lớp tập trung lấy chứng chỉ quốc tế để xét tuyển sớm trong năm 2025 cảm thấy bất an, hụt hẫng.

Trong 5-6 năm qua, xét tuyển sớm là đợt tuyển sinh trước khi Bộ GD&ĐT tổ chức xét tuyển trên hệ thống chung. Các trường chủ yếu xét học bạ, điểm từ các kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...), xét kết hợp nhiều tiêu chí như giải học sinh giỏi, điểm chứng chỉ quốc tế (IELTS, SAT, A-Level...).

Năm nay, Kỳ cũng dự tính muốn dự xét tuyển sớm vào một vài trường như Học viện Ngoại giao, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân. Em tìm hiểu và được thấy, trong năm 2024, các trường này dành khá nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm.

"Với chỉ tiêu như mọi năm em còn thấy mình có cơ hội chứ nếu giảm còn 20%, tức là số bị siết lại, cơ hội của chúng em sẽ mong manh hơn", Kỳ nói

Nam sinh cho biết sẽ suy nghĩ thật kĩ để đăng ký, nhưng "cũng không dám hy vọng gì nhiều" vì biết khi chỉ tiêu giảm, mức độ cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn nhiều mọi năm.

Theo TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, những thay đổi này Bộ GD&ĐT đã có phân tích, tổng kết, rút kinh nghiệm trong những năm vừa qua. Dự thảo có nhiều điểm được đánh giá là tác động tích cực đến học sinh trong việc tập trung học tập đảm bảo chương trình PTTH.

TS Anh Đức cho rằng, dự thảo cũng có điểm thay đổi tác động lớn tới số thí sinh dự định xét tuyển sớm, gây tâm lý bất ngờ, lo lắng cho các em.

“Cần nghiên cứu, phân tích sâu hơn nữa để đánh giá tác động của chính sách trước khi đưa ra QĐ chính thức. Và cần sớm công bố để các cơ sở đào tạo xây dựng/điều chỉnh phương án tuyển sinh sớm công bố để thí sinh chủ động trong việc học tập, thi cử”,- TS Đức đề xuất.

Trường sẽ phải điều chỉnh phương hướng đã công bố để phù hợp với quy định mới. Liên quan đến thí sinh là quan trọng nhất.

Vị trưởng phòng quản lý đào tạo cho biết, nếu áp dụng quy chế mới, trường đều có thể thích ứng được để phù hợp đáp ứng yêu cầu của với quy chế. Và trường đều đặt quyền lợi của thí sinh là quan trọng nhất.

“Trường đợi Bộ Giáo dục ban hành chính thức rồi tính. Biết đâu lại có điều chỉnh nữa”- TS Đức nói.

TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc xét tuyển sớm ở mức 20% chưa hẳn phù hợp vì mỗi trường có trường đặc thù, ngành học khác nhau, không thể quy định 'đồng phục' trong việc này được.

TS Vinh cho rằng, các trường tự căn cứ vào dữ liệu tuyển sinh và nên công bố công khai, minh bạch các con số tuyển sinh đó ra. Khi mọi thứ công khai ra, nếu kết quả tuyển sinh tốt, trường có thể lấy trong khung phần trăm trong quy định. "Sợ nhất là các trường không công khai các con số trong tuyển sinh, khi đó không có thông tin cho học sinh lựa chọn", ông Vinh nói.

Vẫn còn điểm băn khoăn

Trước băn khoăn về quy định mới là điểm xét tuyển và điểm chuẩn các phương thức, tổ hợp phải được quy đổi về một thang chung, đại diện Bộ GD&ĐT lí giải, việc quy điểm xét tuyển về một thang nhằm đảm bảo các trường chọn được những phương thức phù hợp nhất, so sánh được thí sinh để chọn người vào học, cho dù sử dụng điểm thi tốt nghiệp, học bạ hay kết quả các kỳ thi riêng, chứng chỉ quốc tế.

Thời gian qua, việc xét tuyển theo chỉ tiêu của từng phương thức mà không dựa trên đối sánh, quy đổi tương đương gây mất công bằng giữa các thí sinh. Do đó, các quy định sửa đổi nhằm làm tăng trách nhiệm của các trường, phải nghiên cứu thấu đáo để không còn tình trạng chênh lệch điểm trúng tuyển bất hợp lý giữa các tổ hợp, phương thức mà không có căn cứ giải thích.

Theo TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc quy đổi về kỹ thuật không khó, nhưng các bài thi đánh giá tư duy/đánh giá năng lực, SAT,... có mức độ khó khác nhau và khác với cả điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc trộn chung vào có thể có những bất cập.

TS.Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, có nhiều tổ hợp tuyển sinh, vậy quy đổi thế nào để về một thang chung. Điều này gây ra nhiều phức tạp. "Nếu chỉ môn Toán, ngữ Văn thì quy đổi được nhưng giờ bao nhiêu môn thì quy đổi kiểu gì. Mọi năm, có trường quy đổi 5.5 chứng chỉ IELTS được quy đổi ra 10 điểm theo nguyên tắc nào. Khó nhất là chúng ta có một hệ số quy chuẩn tương đương. Nếu không dựa vào cơ sở đủ lớn thì khó có thể làm được. Việc quy đổi ra điểm chung muốn thuyết phục được người học thì phải có nghiên cứu, chứ tính ang áng là không được”- TS Vinh nêu quan điểm.