Trong văn bản gửi PGS. Nguyễn Kế Hào, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, lần này có 5 bộ SGK của 9 môn học được các nhà NXB có chức năng xuất bản SGK đề nghị Bộ GD&ĐT thẩm định, trong đó có các bản mẫu SGK môn Tiếng Việt lớp 1, Toán lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. GS. Đại và cộng sự được Bộ GD&ĐT mời đến nghe thông báo kết quả, đối thoại với hội đồng thẩm định. GS Hồ Ngọc Đại và cộng sự đã nghe kết luận của các hội đồng và không có ý kiến gì thêm.
Cũng theo Thứ trưởng Độ, Thông tư 33 quy định đối với các bản mẫu SGK được đánh giá không đạt, nếu tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tiếp tục biên soạn SGK thì bản mẫu SGK phải được xây dựng lại để thẩm định như lần đầu. Vì vậy, tập thể tác giả bản mẫu sách Tiếng Việt 1, Toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện các bản mẫu SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới và đề nghị thẩm định lại.
Sẽ kiến nghị lên Chính phủ
Hôm 29/9, trao đổi với PV Tiền Phong, PGS. Nguyễn Kế Hào cho rằng, câu trả lời của Bộ GD&ĐT chưa thỏa đáng. Với góc độ cá nhân, tuần này, ông sẽ tiếp tục có ý kiến lên chính phủ. Theo PGS. Nguyễn Kế Hào, hội đồng thẩm định không thể đánh đồng bộ sách công nghệ giáo dục với những bộ SGK được triển khai những năm 1990 hay theo chương trình năm 2000. Những bộ sách này hết vai trò lịch sử khi chương trình giáo dục thay đổi còn công nghệ giáo dục là những cái mới, tiếp cận với xu hướng hiện đại. “Trong chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ĐT vừa ban hành, hướng tiếp cận là lấy học sinh làm trung tâm, học sinh đến trường là hạnh phúc. Giáo viên không còn vai trò truyền thụ kiến thức mà là người dẫn dắt học sinh đi tìm tri thức… Tất cả những điều này đều đã có trong sách công nghệ giáo dục”, PGS. Nguyễn Kế Hào nói.
PGS. Nguyễn Kế Hào cho rằng, khi xây dựng Thông tư 33, Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra những điều chung nhất. Sau đó phát triển thành 40 chỉ báo cụ thể, Bộ GD&ĐT không công bố công khai, chỉ những người được mời tập huấn, những người là thành viên của hội đồng quốc gia thẩm định SGK mới biết. PGS. Nguyễn Kế Hào cho rằng, những chỉ báo này “xơ cứng”. Ông bày tỏ băn khoăn: “Theo quy định, chương trình giáo dục chỉ đưa ra quy định tối thiểu các bộ SGK cần đạt được. Tại sao hội đồng thẩm định lại kết luận bộ sách công nghệ là vượt quá chương trình?”
Không những thế, nếu tất cả các bộ SGK khi thẩm định đều được hội đồng thẩm định “gọt” theo 40 chỉ báo quy định thì các bộ sách đều có chung một khuôn, vậy cần gì phải nhiều bộ SGK? Vì các bộ sách có khi chỉ khác nhau ví dụ, khác nhau nhân vật nào đó, khác nhau vài con số?
PGS. Nguyễn Kế Hào là Vụ trưởng Vụ Tiểu học đầu tiên của Bộ GD&ĐT, cũng là chứng nhân của thời 4 chương trình, 4 bộ SGK (giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước khi Việt Nam thực hiện xóa mù chữ và phổ cập giáo dục). Theo PGS. Hào, lúc đó chỉ có mục tiêu và chuẩn đầu ra là chung, còn lại 4 bộ SGK này hoàn toàn khác nhau, phù hợp với từng đối tượng mà ngành giáo dục cần hướng tới.
“Nếu thực tiễn lựa chọn thì Bộ GD&ĐT tính như thế nào. Đưa vào thực tiễn thì tốt nhưng không phù hợp với thông tư, không phù hợp với các chỉ báo của thông tư thì Bộ có tính đến điều đó không?”, PGS Nguyễn Kế Hào đặt câu hỏi. Theo đánh giá của PGS. Hào, những yêu cầu sửa chữa của hội đồng thẩm định đều là những tiểu tiết liên quan đến câu chữ nhưng lại không cần thiết. PGS. Hào cho rằng: “Hội đồng thẩm định yêu cầu tác giả bỏ những nội dung cao hơn chương trình. 40 năm nay, học sinh chấp nhận được, sao đến giờ hội đồng lại nói khó hơn chương trình”?
PGS. Hào cho rằng, nếu ông là GS. Hồ Ngọc Đại ông cũng sẽ không sửa. Còn với vai trò là một công dân, ông bảo lưu quan điểm sẽ tiếp tục kiến nghị lên chính phủ.
PGS. Hào cho rằng: “Hội đồng thẩm định yêu cầu tác giả bỏ những nội dung cao hơn chương trình. 40 năm nay, học sinh chấp nhận được, sao đến giờ hội đồng lại nói khó hơn chương trình”?