Báo Tiền Phong số ra ngày 21/9 có cụm bài “Cụm công nghiệp làng nghề: Lệch mục tiêu” phản ánh các doanh nghiệp đầu tư Cụm công nghiệp làng nghề (CCNLN) đang được quyền phân lô, định đoạt giá cho thuê. Các lô đất bị mua đi bán lại, đẩy giá không khác gì dự án thương mại. Điều này làm cho các CCNLN không đạt được mục tiêu giải quyết các bức xúc ở làng nghề nói riêng và nông thôn nói chung.
Trong văn bản trả lời Tiền Phong về nội dung nói trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ ghi nhận, nghiên cứu những nội dung nêu trên trong quá trình xây dựng nghị định và hoàn thiện pháp luật liên quan.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP. Căn cứ kết quả đánh giá, Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xây dựng, ban hành Nghị định thay thế các nghị định về quản lý phát triển CCN để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, phát triển CCN thời gian qua.
Bộ Công Thương cho hay, hiện nay, giá sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích trong CCN được xác định trên nguyên tắc thỏa thuận thông qua hợp đồng ký kết giữa tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ và chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.
Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN có quyền cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung; xác định giá cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung, giá cho thuê hoặc bán nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và giá các loại dịch vụ công cộng, tiện ích khác. Việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được thực hiện trong giai đoạn thành lập, mở rộng CCN. Trong quá trình thẩm định hồ sơ thành lập CCN, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư để chấm điểm lựa chọn chủ đầu tư.
Bộ Công Thương đánh giá, qua theo dõi thực hiện ở các địa phương có thể thấy, mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng CCN phát huy hiệu quả cao nhất, phù hợp với chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường và giảm được gánh nặng ngân sách nhà nước... ; chủ đầu tư chủ động triển khai nhanh việc đầu tư xây dựng, hoàn thành, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng CCN, chủ động thu hút đầu tư vào CCN theo quy hoạch chi tiết được duyệt; thủ tục tiếp nhận, cho thuê đất đối với nhà đầu tư thứ cấp thuận lợi...
"Tuy nhiên, giá cho thuê mặt bằng các CCN này thường cao; chỉ thu hút được các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các CCN có vị trí quy hoạch thuận lợi về giao thông, kết nối hạ tầng kỹ thuật bên ngoài, gần nguồn lao động", văn bản Bộ Công Thương nêu rõ.
Liên quan đến việc một số cụm CCN làng nghề xảy ra tình trạng biến tướng thành nơi xây dựng biệt thự, Cục Công thương địa phương - Bộ Công Thương khẳng định: CCN là nơi sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong đó, CCN làng nghề là CCN phục vụ di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển nghề, làng nghề ở địa phương.