Tại cuộc họp, Cục trưởng Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho hay, Bộ Công Thương đã nhận được 130/154 ý kiến góp ý từ các cơ quan bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia ủng hộ việc cần thiết điều chỉnh biểu giá điện bậc thang cho phù hợp với tình hình mới.
Đa số các ý kiến góp ý đều cho rằng, bên cạnh việc điều chỉnh rút gọn biểu giá điện bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, cần có thêm biểu giá điện 1 bậc cho các khách hàng lựa chọn.
Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án 1 theo hướng cải tiến từ phương án biểu giá cho mục đích sinh hoạt gồm 6 bậc thang sang biểu giá điện có 5 bậc thang đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên giá điện bình quân hiện hành cho mục đích sinh hoạt.
Trong đó, ghép bậc 1 và bậc 2 hiện tại thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ bằng bậc 1 hiện hành. Cùng đó, giữ nguyên giá các khách hàng sử dụng điện từ 101-200 kWh; ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới và tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: bậc tư 401 đến 700 kWh và bậc trên 701 kWh.
Với phương án 2, cải tiến từ phương án biểu giá cho mục đích sinh hoạt gồm 6 bậc thang sang Biểu giá bán lẻ sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ sinh hoạt 1 giá, khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng biểu giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc 1 giá để phù hợp với mức tiêu thụ điện của khách hàng.
Khác với phương án 1 giá đã đưa ra lấy ý kiến trước đây bằng giá bình quân sinh hoạt. Phương án 1 giá, bằng giá điện sinh hoạt bình quân không nhận được sự ủng hộ của phần đông của các Bộ ngành đã lấy ý kiến do phương án một, tiền điện các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000 đến 39.000 đồng/khách hàng/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hàng năm tăng từ mức trên 1.000 tỷ đồng/năm lên khoảng 1.240 tỷ đồng/năm (tăng thêm khoảng 240 tỷ đồng/năm) do mức giá điện 1 giá cao hơn so với giá bậc 1 hiện hành.
Đề xuất rút phương án giá điện 2A và 2B
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý và đảm bảo khách hàng có thêm sự lựa chọn, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án 2A và 2B để lấy ý kiến. Trong đó biểu giá ở 4 bậc thang đầu tiên của phương án 2A và Phương án 2B giống như Phương án 1.
Biểu giá điện ở Phương án 2A và 2B lần lượt được đề xuất ở mức 145% và 155% giá bình quân, Tương ứng với mỗi phương án thì giá điện tại bậc thang thứ 5 sẽ được tính toán lại để giá điện sinh hoạt bình quân không đổi.
"Hiện cơ chế điện một giá đang đánh đồng tất cả các khách hàng sử dụng điện, người dùng ít cũng như dùng nhiều. Điều này đã vi phạm nguyên tắc về khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Các phương án được xây dựng đều đảm bảo nguyên tắc đảm bảo cho 18,7 triệu khách hàng (chiếm hơn 73% khách hàng) sử dụng dưới 200 kWh/tháng không bị tăng chi phí sử dụng điện hàng tháng. Theo đó, đối với tất cả các phương án, đa số các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng).
Khách hàng sử dụng 100 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng. Còn với khách hàng sử dụng 200 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng trong khi khách hàng sử dụng 400 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 12.800 đồng. Với khách hàng sử dụng 500 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 7.200 đồng và khách hàng sử dụng 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 1.600 đồng.
Riêng các khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 kWh chi phí tiền điện sẽ tăng do ghép bậc 201-300 kWh và 301-400 kWh thành bậc mới. Số tiền phải trả tăng thêm khi sử dụng ở mức 300 kWh là 7.100 đồng.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, sau khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi người dân, các địa phương, các chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng, biểu giá điện 1 bậc hiện đang quá cao. Cùng đó ý kiến cho rằng, phương án giá điện 2A và 2B không khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm trong khi đây là chủ trương của Chính phủ. Vì vậy, Cục Điều tiết điện lực đề xuất cho rút phương án giá điện 2A và 2B. Cùng đó sẽ điều chỉnh mức độ trong các phương án giá điện bậc thang được đề xuất.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, với những ý kiến góp ý của các chuyên gia và dư luận, phương án 5 bậc thang đáp ứng được những yêu cầu chung về điều chỉnh giá điện đúng như chỉ đạo của Chính phủ. Cục Điều tiết đã tổng hợp và xây dựng thêm phương án điện 1 giá.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Công Thương, hiện có những phản ánh, phân tích của các chuyên gia, qua phản ánh của báo chí, dư luận băn khoăn về cơ chế điện một giá.
“Hiện cơ chế điện một giá đang đánh đồng tất cả các khách hàng sử dụng điện, người dùng ít cũng như dùng nhiều. Điều này đã vi phạm nguyên tắc về khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Nhiều chuyên gia cũng phân tích về điện một giá cần đi kèm với thị trường điện cạnh tranh và cần có các công cụ khác để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách. Còn nếu không, thì sẽ có tác động rất lớn với những hộ nghèo, hộ chính sách. Vì vậy, phương án điện một giá như TPHCM đề xuất, chúng ta đã xây dựng nhưng để áp dụng chung với phương án 5 bậc thang thì không phù hợp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Góp ý cho việc bổ sung xây dựng biểu giá điện bán lẻ, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, dù xây dựng phương án nào, các cơ quan chức năng phải không làm tăng giá điện bình quân. Chưa kể hiện người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, vì vậy việc xây dựng biểu giá điện sinh hoạt bán lẻ cần phải tính toán và cân nhắc lại.
“Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, cần phải cân nhắc tính toán lại các phương án biểu giá điện làm sao đáp ứng đảm bảo quyền lợi cho đa số khách hàng, bảo vệ được người yếm thế trong xã hội", Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn.
“Hiện trong tổ xây dựng biểu giá điện bán lẻ chưa có đại diện của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan chủ quản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vào cùng tham gia xây dựng biểu giá điện. Uỷ ban Quản lý vốn là đơn vị chịu trách nhiệm về quản lý vốn của EVN vì vâỵ cần có thêm ý kiến của đại diện Uỷ ban tham gia xây dựng biểu giá điện. Việc xây dựng biểu giá cũng cần có ý kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để đánh giá tác động với các hộ sử dụng điện”, ông Trần Tuấn Anh nêu ý kiến.
Về việc điều chỉnh tiếp biểu giá điện bậc thang, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, phương án điện bậc thang 5 bậc là hợp lý và đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện.
Theo ông Dũng, với những bất cập được các chuyên gia góp ý thời gian qua, có thể cân nhắc việc bỏ phương án điện một giá.
Đồng quan điểm, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng cho rằng, hoàn toàn có thể chưa đề xuất phương án điện một giá trong thời điểm hiện nay khi các yếu tố về kỹ thuật chưa đáp ứng được.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, so sánh và đối chiếu với 5 bậc thì có sự khác biệt về biểu giá điện. “EVN rõ ràng là một bên liên quan đến biểu giá điện. Vì vậy, EVN cũng cần minh bạch, cũng cần giải thích về việc giá điện như vậy đã đủ hay chưa”, ông Tân nói.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn cho rằng, cần lấy ý kiến người dân, đại diện các tổ dân phố về việc biểu giá điện đã hợp lý hay chưa. Việc càng làm minh bạch lấy đủ ý kiến người dân, bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ hoạt động của các đơn vị sản xuất điện rất cần thiết. “Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, cần phải cân nhắc tính toán lại các phương án biểu giá điện làm sao đáp ứng đảm bảo quyền lợi cho đa số khách hàng, bảo vệ được người yếm thế trong xã hội”, ông Sơn nói.