Dự thảo Luật PCCC và CNCH gồm 9 chương, 65 điều. Ngoài việc bổ sung các quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ; khắc phục những vướng mắc, bất cập... dự thảo luật sẽ có 4 nội dung mới được đưa vào.
Trong đó, đáng chú ý là dự thảo luật đã bãi bỏ 5 nội dung so với Luật PCCC hiện hành.
Cụ thể, bãi bỏ quy định tiêu chuẩn về PCCC bắt buộc áp dụng để phù hợp với Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn trong việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài về hệ thống phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để phù hợp, đồng bộ với Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn và pháp luật khác hiện hành.
Cùng với đó là bãi bỏ quy định phòng cháy cho 11 loại hình cơ sở như phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, trong khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật tư, hàng hóa khác có nguy hiểm về cháy, nổ….Chỉ quy định phòng cháy chung cho cơ sở do các cơ sở cụ thể đã có quy định riêng tại tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Dự thảo luật cũng bãi bỏ quy định phòng cháy đối với rừng, do đã được quy định tại Luật Lâm nghiệp; bãi bỏ quy định về thanh tra PCCC do đã được quy định tại Luật Thanh tra; bãi bỏ quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động để phù hợp với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Đề xuất cắt giảm 29 thủ tục hành chính
Theo Bộ Công an, hiện nay có 42 thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Dự kiến sau khi Luật PCCC và CNCH có hiệu lực, cắt giảm 6 nhóm thủ tục hành chính với 29 thủ tục.
Theo đó, dự thảo luật bãi bỏ nhóm thủ tục hành chính như: Phê duyệt phương án chữa cháy; Cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ; Phục hồi hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân; Cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC; Cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ CNCH; Cấp chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC.
Bên cạnh đó, dự thảo luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 4 nhóm thủ tục hành chính đang thực hiện.
Cụ thể, sửa đổi nhóm thủ tục hành chính: Cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC; Sửa đổi thủ tục hành chính: “thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy” sửa đổi thành thủ tục “thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy”;
Dự thảo luật sửa đổi thủ tục hành chính “nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy” thành thủ tục “kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy”; Sửa đổi nhóm thủ tục hành chính: Cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về PCCC.
Đề xuất thay đổi tên “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”
Dự thảo Luật PCCC và CNCH đã điều chỉnh 7 nội dung so với Luật PCCC hiện hành.
Trong đó, tên gọi Luật PCCC và CNCH, điều chỉ phạm vi áp dụng, bổ sung quy định cứu nạn, cứu hộ vào luật.
Thay đổi tên gọi “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy” thành “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.
Điều chỉnh thủ tục hành chính từ thẩm duyệt thành thẩm định để đồng bộ, phù hợp với pháp luật chuyên ngành về xây dựng.
Phân rõ thẩm quyền thực hiện công tác thẩm định thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm.
Điều chỉnh quy định cụ thể khái niệm hoạt động PCCC và CNCH tình nguyện.
Điều chỉnh quy định về bảo hiểm cháy, nổ; cơ sở phải thực hiện bảo hiểm cháy, nổ đối với tài sản thuộc phạm vi quản lý.
Tăng cường thực hiện xã hội công tác PCCC như huấn luyện Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, kiểm định, đánh giá an toàn về phòng cháy và chữa cháy.