Chưa khi nào tình trạng đào đãi vàng sa khoáng trái phép lại bùng phát ngang nhiên tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân (Bình Định) như hiện nay.
Theo chân đoàn kiểm tra gồm Hạt Kiểm lâm, Phòng Cảnh sát môi trường, Sở TN&MT tỉnh Bình Định, chúng tôi đến các điểm phá rừng tại xã Ân Nghĩa.
Khi phát hiện có đoàn kiểm tra, hàng trăm người đang khai thác vàng bỏ chạy để lại ngổn ngang hàng trăm hố sâu bị đào bới, dụng cụ đào đãi và hơn chục máy đãi vàng vẫn còn đang hoạt động.
Tình trạng đào đãi vàng trái phép ở xã Ân Nghĩa đã xảy ra hơn 4 năm trước, sau đó chính quyền địa phương ngăn chặn nên tình hình tạm lắng. Nhưng từ đầu tháng 8 trở lại đây, tình trạng này tiếp tục tái diễn và xem ra lần này quy mô và phức tạp hơn. Nhiều hécta rừng đang bị tàn phá, nguồn nước sau khi đãi vàng thải ra gây ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê mới nhất của các cơ quan chức năng huyện Hoài Ân, thì đến nay đã có 5,5 ha rừng bị các đối tượng đào đãi vàng tàn phá để có diện tích khai thác vàng. Không chỉ thế, một số người dân ở các xã lân cận như Ân Hữu, Ân Tường Đông còn “ăn theo” bằng cách phá rừng làm nương rẫy.
Hiện nay nạn đào đãi vàng diễn ra tại các điểm: Hố Xế, dốc Ngược, dốc Hố Cọp, hố Đồng Quang thuộc thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa (Hoài Ân). Những hố sâu bị các đối tượng đào đãi vàng đục khoét, đào bới bị sụp lún, gây lở đất khi có mưa đến. Việc khai thác vàng được thực hiện rất quy mô, bằng cách nối ống dẫn nước dài 5 km đến nơi đào đãi, cùng với những lều bám trụ nhiều ngày.
Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì tất cả tán loạn chạy trốn vào rừng, rồi sau đó lại trở về chỗ cũ tiếp tục đào bới. Thậm chí, các đối tượng đào đãi vàng còn ghi trên các vách đá những dòng chữ khiêu khích lực lượng chức năng. Không chỉ người địa phương mà cả những người ở nơi khác cũng đến chiếm đất, phá rừng để khai thác trái phép gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT ở đây.
Trung bình mỗi ngày ở đây có khoảng 120 người tham gia khai thác vàng. Có gia đình như ông Mai Văn En ở thôn Phú Ninh (Ân Nghĩa) cả vợ và 4 con đều tập trung vào bãi vàng bỏ mặc ruộng đồng, học hành. Nhiều gia đình bỏ tất cả để tìm vàng. Họ đặt tất cả mơ ước, tương lai của gia đình và con cái vào bãi vàng này.
Về lâu dài, việc khai thác vàng có thể làm rừng phòng hộ bị xâm hại nặng nề và bồi lấp hồ Hốc Cõi (Ân Nghĩa) hiện là nguồn nước chính để tưới tiêu cho huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn.
Ông Nguyễn Văn Xê- Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Hoài Ân, cho biết: “Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, rừng phòng hộ sẽ bị tiếp tục chặt phá và hậu quả của nó thì nhiều năm nữa không khắc phục được”.
Xã Ân Nghĩa và Hạt kiểm lâm huyện Hoài Ân là những cơ quan chịu trách nhiệm chính về tình trạng trên, tuy nhiên cho đến nay các biện pháp ngăn chặn vẫn chưa kiên quyết.
Theo ông Trần Đình Thủ - Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa thì trước hết phải bảo vệ khu rừng phòng hộ, tuy nhiên những biện pháp đề ra và việc thực thi không đi đôi với nhau.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ nạn đào đãi vàng bùng phát tại xã Ân Nghĩa như hiện nay là do chính quyền địa phương phát hiện không kịp thời và kiên quyết. Ban đầu khi còn ít đối tượng tham gia xã đã không ngăn chặn nên khiến việc đào đãi ngày càng quy mô gây khó cho cơ quan chức năng.