Như đã đưa tin, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã thông báo thụ lý vụ án tranh chấp quyền tác giả giữa nguyên đơn - ông Nguyễn Thanh với bị đơn - nhà biên kịch Lê Phương và Hãng phim truyện Việt Nam.
Theo đơn khởi kiện, ông Nguyễn Thanh yêu cầu xác định kịch bản phim Biệt động Sài Gòn là của riêng ông, yêu cầu Hãng phim truyện Việt Nam phải hoàn trả số tiền nhuận bút ít nhất là nửa tỉ đồng cho ông.
Lý do là kịch bản Biệt động Sài Gòn của ông và kịch bản Những thiên thần ra trận (tác giả Lê Phương) được dựng thành phim Biệt động Sài Gòn không có gì khác biệt về cốt truyện, nhân vật, bối cảnh...; bên cạnh đó, ông Phương đã "cố tình kinh doanh trí tuệ" của ông khi sử dụng kịch bản Biệt động Sài Gòn của ông để đem in sách mà không xin phép.
Ông Phương thì khẳng định đã chi trả nhuận bút kịch bản phim cho ông Thanh, và để tên ông Thanh là đồng tác giả kịch bản phim, còn việc các nhà xuất bản (NXB) lấy kịch bản in lại thì ông cũng chỉ là nạn nhân...
Trong khi đó, đối chiếu phần đầu truyện Nhà thầu khoán của ông Nguyễn Trần Thiết (trong tập Chuyện kể về anh Năm Mộc - viết về những chiến sĩ biệt động Sài Gòn, NXB TP.HCM 1982) với phần đầu của Những thiên thần ra trận (ghi tên tác giả là Lê Phương với sự cộng tác của Nguyễn Thanh, kịch bản được dựng thành phim Biệt động Sài Gòn, Hội Văn học nghệ thuật Long An xuất bản năm 1987), dễ dàng thấy có những sự trùng khớp đến kỳ lạ, không chỉ trùng khớp về tình tiết mà cả về đối thoại của nhân vật.
Nội dung phần trùng khớp này xoay quanh cuộc gặp gỡ lần đầu giữa Trần Văn Lai với người vợ giả Phạm Thị Phan Chính tại Long An (ở truyện Nhà thầu khoán), mà trong kịch bản Những thiên thần ra trận và trên phim Biệt động Sài Gòn là Tư Chung và Ngọc Mai.
Người trong cuộc nói gì?
Kịch bản Biệt động Sài Gòn của ông Nguyễn Thanh đã được Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật (Bộ VH-TT-DL) cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả từ năm 1989.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Mạnh Chu (Cục trưởng Cục Bản quyền), Giấy chứng nhận quyền tác giả chỉ có giá trị khi người đăng ký là chủ sở hữu thật sự của tác phẩm, và Cục Bản quyền có quyền hủy giấy chứng nhận đó trong trường hợp phát hiện sai sự thật.
Ông Lê Phương thừa nhận:
"Đúng là tôi mượn khúc dạo đầu của ông Nguyễn Trần Thiết. Nhưng tôi cũng sử dụng cả tư liệu của nhiều người khác nữa.
Cái giỏi của người biên kịch là mượn tư liệu nhưng biết cách "tiêu hóa", chứ không phải chỉ đi chép lại.
Tôi đã gặp ông Nguyễn Trần Thiết để cảm ơn. Ông ấy cũng vui vẻ thôi, thời ấy chả ai nặng nề gì!". Tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Thiết lại phủ nhận việc ông Phương đến "xin phép" và "cảm ơn".
"Nhưng thôi, chuyện vặt ấy mà, tôi cũng chẳng muốn kiện cáo gì đâu, dù biết chắc chắn là họ sử dụng 100% khúc dạo đầu của tôi", ông nói.
Trong khi đó, với bản đánh máy kịch bản Biệt động Sài Gòn của ông Nguyễn Thanh ghi chú là "đánh máy từ bản gốc" do bản gốc đã bị thất lạc, thì một số tình tiết "sáng tạo" như Tư Chung - Ngọc Mai gặp nhau ở Long An hay chuyện ông Năm Lai làm thầu khoán bên Campuchia cũng giống với sự "sáng tạo" của ông Nguyễn Trần Thiết.
Ông Thanh nói: "Những chi tiết này hoàn toàn là sự sáng tạo của tôi. Khối lượng tư liệu của tôi rất phong phú nên tôi hoàn toàn không sử dụng tư liệu gì của ông Nguyễn Trần Thiết".
Về thời điểm, Chuyện kể về anh Năm Mộc của Nguyễn Trần Thiết được xuất bản năm 1982. Kịch bản Biệt động Sài Gòn của Nguyễn Thanh và Những thiên thần ra trận (của Lê Phương - đồng tác giả Nguyễn Thanh) cũng được hoàn tất trong năm 1982. Vậy thì ai "mượn" của ai?
"Biết là ngón đòn phủ đầu đã có giá trị với viên cảnh sát, Trần Văn Lai lắc đầu:
- Có chuyện riêng gia đình khó nói lắm, anh Ba.
Ba Phóng đưa mắt cho bọn đàn em. Hiểu ý, những tên cảnh sát rút lui dần. Khi chỉ còn lại 2 người, Trần Văn Lai vờ tâm sự:
- Anh Ba có quen biết trung tá Phạm Phong Ngư, trưởng ty cảnh sát Nha Trang không?
- Biết! Mà sao vậy?
- Anh vợ tôi đó. Cô ấy là Phạm Thị Phan Chính, đang ở cửa tiệm vàng Phú Xuân. Cô ấy ỷ là con nhà giàu, có thế lực muốn ức hiếp chồng sao cũng được à! Tôi giận vợ, tôi bỏ đi".
- Không nên vậy, anh Hai. Nè, tụi bây "phôn" cho tao tiệm vàng Phú Xuân.
- Anh Hai thứ lỗi, tôi sẽ hỏi chị Hai xem.
- Trình thiếu tá, có người thưa ở máy rồi. Tên trực ban báo cáo".
(Chuyện kể về anh Năm Mộc)
"Nghe viên trung tá hỏi, Tư Chung cúi đầu, vẻ mặt rầu rầu, đáp:
- Có chuyện gia đình riêng khó nói quá, anh Năm.
Năm Phan hiểu ý đưa mắt cho bọn đàn em. Đám cảnh sát bu quanh lẳng lặng rút lui dần. Khi chỉ còn hai người, Tư Chung tâm sự:
- Anh Năm có quen biết trung tá Trần Công Tấn, trưởng ty cảnh sát Nha Trang không?
- Biết chớ ! Mà sao vậy?
- Anh vợ tôi đó. Cô ấy là Trần Thị Ngọc Mai, cháu ông chủ hãng sơn Đông Á. Cô ấy ỷ con nhà giàu có thế lực hay làm tàng với tôi, tôi giận tôi bỏ đi...
Viên thiếu tá tỏ vẻ thân mật thật sự. Hắn nắm tay Tư Chung lắc lắc:
- Không nên như vậy, anh Hai.
Rồi hắn quay lại bọn đàn em:
- Nè, tụi bây. "Phôn" cho tao nói chuyện với hãng sơn Đông Á Sài Gòn nghe. Rồi hắn quay lại nói với Tư Chung:
- Anh Hai thứ lỗi. Tôi sẽ nói chuyện với chị Hai coi thử sao. Hắn dứt lời thì tên trực ban báo cáo:
- Trình thiếu tá có người thưa ở máy rồi".
(Những thiên thần ra trận)
Theo Phạm Thu Nga - Y Nguyên
Thanh Niên