Biệt đội gỡ rối F0

TP - Bất kì lúc nào, khi các F0 cần hỗ trợ, các tình nguyện viên “áo xanh” đều có mặt để gỡ rối, giải đáp những vướng mắc trong quá trình cách ly, điều trị tại nhà cũng như hỗ trợ chuyển viện cho các trường hợp trở nặng.

Xuyên Tết hỗ trợ F0

Ăn vội bữa cơm tối, Đoàn Thị Thái Bình (SN 1999, Đoàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhanh chóng đến Trạm y tế lưu động để thay ca trực. Hơn 2 tuần nay, Bình cùng 20 tình nguyện viên (TNV) khác liên tục chia ca túc trực và hỗ trợ hoạt động tại đây 24/24. Tiếng chuông điện thoại réo liên hồi, Bình nhanh tay bắt máy và bắt đầu hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho đầu dây bên kia.

Sau khoảng vài phút trò chuyện, Bình nhắc người gọi tự cách ly với người thân trong nhà và hẹn lịch lấy mẫu xét nghiệm khẳng định tại trạm. “Nhiều người khi biết mình mắc COVID-19 khá hoang mang, lo lắng. Bởi vậy, chúng em hỗ trợ tư vấn, giúp họ hiểu rõ hơn về tình trạng hiện tại cũng như quy trình để tự cách ly và điều trị tại nhà an toàn”, Bình nói.

Công việc tại trạm được Bình gọi đùa là “tổng đài viên”, chỉ khác một điều, những người được tư vấn đều là F0 đang điều trị tại nhà trên địa bàn. Mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng với 4 TNV tham gia cùng lực lượng y tế. Lực lượng mỏng nhưng số lượng các ca F0 cần tư vấn rất nhiều, bởi vậy, các TNV phải làm việc liên tục kể cả dịp Tết. “Đợt nghỉ Tết vừa rồi, chúng em phân chia nhau trực xuyên Tết ở đây, cũng linh động sắp xếp để mỗi bạn có 1-2 hôm ở nhà đón Tết với gia đình”, Bình chia sẻ.

Biết tin Đoàn phường thành lập đội hình hỗ trợ trạm y tế lưu động, dù cận Tết nhưng Tôn Nữ Xuân Thương (SN 2000, sinh viên ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) vẫn đăng ký tham gia. Dịp Tết này, Thương hầu như có mặt ở trạm, tham gia hỗ trợ tất cả các công việc từ trực đường dây nóng, tư vấn, nhập liệu, chuyển viện và hỗ trợ oxy cho những ca F0 trở nặng. “Bất kì việc gì cần, chúng em đều xắn tay hỗ trợ không nề hà gì, bởi số lượng F0 tăng nhanh mà nhân lực lại mỏng”, Thương nói.

Với Bình và Thương, những cuộc gọi lúc nửa đêm hay 3, 4h sáng đã trở nên quen thuộc. Có những hôm gần 12h đêm F0 trở nặng cần xe cấp cứu hay khó thở cần bình ô xy, các TNV lại bật dậy giữa đêm đi hỗ trợ. “Nhiều lúc F0 gọi điện đến với thái độ khó chịu hoặc cau có than phiền vì thời gian cách ly dài… Những lúc đó, chúng em đều bình tĩnh để giải thích cho họ hiểu về quy trình, nhắc nhở họ kiên nhẫn chờ đợi”, Thương nói thêm.

“Chia lửa” cho các trạm y tế lưu động

Theo chị Hồ Nguyễn Thùy Linh, Bí thư Đoàn phường Hòa Minh, các đội TNV hỗ trợ trạm y tế lưu động được triển khai từ trước Tết Nguyên đán khi số ca F0 trong cộng đồng liên tục tăng và được duy trì cho đến nay. Công việc chủ yếu của các TNV là hỗ trợ đường dây nóng tư vấn F0, thực hiện nhập liệu, theo dõi tình hình các ca F0 điều trị tại nhà trên địa bàn, hỗ trợ nhân viên y tế trong công tác phân chia khu vực lấy mẫu…

“Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn với số F0 tăng nhanh, Thành Đoàn Đà Nẵng đã chỉ đạo các Quận, Huyện Đoàn tổ chức đội hình TNV hỗ trợ cho các trạm y tế lưu động tại phường, xã. Các đội hình sẵn sàng nhận nhiệm vụ do lực lượng y tế địa phương phân công nhằm hỗ trợ tốt cho công tác cách ly và điều trị F0 tại nhà”.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng

“Trước khi tham gia hỗ trợ trạm y tế lưu động, tất cả các TNV đều được y bác sĩ của Trung tâm Y tế quận tập huấn kiến thức, quy trình điều trị F0 tại nhà, kỹ năng xử lý khi có các tình huống F0 trở nặng, cần can thiệp y tế. Hiện số ca F0 điều trị tại nhà trên địa bàn phường rất nhiều, bình quân mỗi ngày có thêm hơn 60 ca mắc mới trong cộng đồng nên đội phải làm việc liên tục 24/24”, chị Linh cho biết.

Tổ chức hỗ trợ trạm y tế lưu động hơn 1 tháng nay, Đoàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) duy trì 2 đội hình TNV tại 2 trạm y tế lưu động trên địa bàn để tư vấn điều trị F0 tại nhà. Anh Nguyễn Ngô Hoàng Long, Bí thư Đoàn phường cho hay, để đảm bảo việc hỗ trợ liên tục, mỗi ngày sẽ có 4 ca trực, mỗi ca kéo dài 6 tiếng và có 4 TNV tham gia hỗ trợ cùng lực lượng y tế.

“Ngoài trực đường dây nóng, các TNV còn hỗ trợ dẫn đường cho xe cấp cứu tới nhà đón F0 vì địa bàn có nhiều ngõ ngách, khó tìm đường; nhắc nhở F0 đến lấy mẫu tại trạm y tế để xét nghiệm khi hết thời gian cách ly. Trong thời gian tới, khi các trạm y tế lưu động số 3, số 4 được thiết lập, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các đội hình TNV hỗ trợ”, anh Long cho biết.

Theo anh Huỳnh Thanh Bình, Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu, trước tình hình số ca F0 tăng nhanh, Quận Đoàn đã triển khai các đội hình tình nguyện hỗ trợ trạm y tế lưu động. “Các TNV tham gia hỗ trợ đều được Quận Đoàn và Trung tâm Y tế quận tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ. Từ đó đến nay, đã có hàng ngàn lượt đoàn viên, thanh niên tình nguyện đồng hành, hỗ trợ F0 trong quá trình cách ly và điều trị tại nhà”, anh Bình cho biết.