Theo đó, lực lượng biên phòng tiếp tục duy trì hoạt động phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị. Tập trung chỉ đạo các đơn vị tuyến Việt Nam - Campuchia thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc với người nhập cảnh qua cửa khẩu và người nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở, đường biển.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới, chủ động nắm diễn biến tình hình dịch bệnh phía Campuchia; trao đổi với lực lượng bảo vệ biên giới đối diện nắm danh sách người Việt Nam bị cách ly y yế và dương tính với Sars-CoV-2 để chủ động triển khai biện pháp ngăn chặn dịch bệnh và bắt giữ, xử lý các đối tượng trốn khỏi khi cách ly tại Campuchia nhập cảnh vào Việt Nam.
Bộ tư lệnh BĐBP cũng đã chỉ đạo BĐBP các tỉnh siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát các đường mòn lối mở trên biên giới, cửa khẩu, cảng biển, cửa sông, cửa lạch; duy trì nghiêm quân số làm nhiệm vụ phòng, chống dịch trên biên giới. Hiện có trên 1.600 tổ, chốt với hơn 10 nghìn cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng hiệp đồng tham gia phòng chống dịch (trong đó có 7.548 cán bộ, chiến sĩ BĐBP).
Nhằm duy trì lực lượng nhằm siết chặt tuyến biên giới Tây Nam, Bộ tư lệnh BĐBP đã điều động 280 quân nhân thuộc các lực lượng biên phòng Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên tăng cường, thay thế cho 292 cán bộ, học viên Học viện Biên phòng và Trường Trung cấp Biên phòng 2 đang tăng cường tại các tỉnh Tây Nam.
Trong tháng 3/2021, các đơn vị BĐBP đã bàn giao cho cơ quan y tế địa phương theo dõi, cách ly 9.186 người Việt nhập cảnh từ Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia về nước (trong đó có 6.687 người nhập cảnh qua cửa khẩu; 1.755 người nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở, cảng biển; tiếp nhận 744 người do lực lượng chức năng Trung Quốc, Lào, Campuchia trao trả). Tuyến Việt Nam - Campuchia có số lượng người nhập cảnh trái phép lớn nhất với 926 trường hợp.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP, hiện nay tại Campuchia, cơ quan ngoại giao và Hội Việt kiều có nhiều hoạt động hỗ trợ cho công dân Việt Nam và người Khơ Me gốc Việt về lương thực thực phẩm, kinh phí ổn định cuộc sống. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn đối với đồng bào có nhu cầu về nước thì đi theo cửa khẩu của chính phủ, sau đó thực hiện cách ly đúng quy định. Tuy nhiên, do nhận thức của một số người muốn về Việt Nam nhưng lại không muốn cách ly nên nảy sinh ý định nhập cảnh trái phép.
“Giai đoạn cuối năm 2020 đến nay có dòng người lao động, lao động công nghệ làm ở các công ty online trên mạng là người Trung Quốc vào Việt Nam bằng mọi cách và xuất cảnh trái phép qua Campuchia. Những vụ việc này đang tiến hành đấu tranh bắt giữ, không chỉ trên biên giới mà còn ở các tuyến giao thông khác”, ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, cuối tháng 3/2021, tại Tây Ninh, Bộ tư lệnh BĐBP đã tổ chức gặp mặt hẹp 4 lực lượng chức năng trong bảo vệ biên giới của Campuchia, gồm Tổng cục di trú, Tổng cục Công an thuộc Bộ nội vụ vương quốc Campuchia, Bộ tư lệnh Lục quân và Bộ tư lệnh Hiến binh của Quân đội Hoàng gia Campuchia.
“Cuộc gặp có nhiều nội dung, trong đó có việc phối hợp phòng chống dịch COVID-19 giữa các lực lượng để thông tin kịp thời bằng hình thức trao đổi qua điện thoại giữa đồn với đồn, tỉnh với tỉnh và có những vụ việc giữa lãnh đạo Bộ tư lệnh BĐBP với chỉ huy các lực lượng của Campuchia để kịp thời giải quyết”, ông Phương thông tin.
Về việc triển khai tiêm vacxin ngừa COVID-19 cho lực lượng biên phòng, ông Phương cho biết trên tuyến biên giới Tây Nam đã thực hiện tiêm bước đầu thí điểm ở 2 tỉnh Tây Ninh và An Giang, hiện đang triển khai cho các tỉnh còn lại. Việc tiêm tập trung cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên biên giới và phục vụ trong khu cách ly của địa phương thì cố gắng hoàn thành trong tháng 5.