Vũ Trọng Lương có là thủ phạm duy nhất?
Tại cuộc họp báo tổ chức chiều qua (17/7) ở Hà Giang, ông Nguyễn Cao Khương - cán bộ an ninh A83 Bộ Công an, cho biết ông Vũ Trọng Lương - Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD&ÐT Hà Giang, được xác định là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của 114 thí sinh với số lượng 330 bài thi. Ông Lương chính là người được Sở GD&ÐT tỉnh Hà Giang giao sử dụng và thao tác trực tiếp trên máy tính quét trắc nghiệm hằng năm (máy tính này được kết nối mạng).
Quang cảnh buổi họp báo về kết quả rà soát, kiểm tra xử lý điểm thi bất thường tại Hà Giang. Ảnh: Tùng Duy.
Ngay sau khi Bộ GÐ&ÐT công bố đáp án (ngày 27/6), ông Lương tải về lưu trong máy dưới dạng file Excel. Công an phát hiện có nhiều tin nhắn gửi số báo danh tới điện thoại của ông Lương. Những số báo danh này được ông Lương lưu vào máy tính rồi mang tới phòng quét xử lý trắc nghiệm để thực hiện việc “biến hóa” nâng điểm cho các bài thi. Tiếp đến, ông Lương lấy kết quả đã xử lý từ đáp án của Bộ Giáo dục chuẩn bị trước để copy và dán đè vào file chứa đáp án của thí sinh.
Trước đó, ông Lương đã chuyển toàn bộ hòm chứa bài thi và máy tính về phòng làm việc tại Sở GD&ÐT - qua kiểm tra dữ liệu camera ở trụ sở làm việc, Công an xác định. Chỉ trong 2 giờ đồng hồ, ông Lương đã mở khóa, rút bài ở các túi, xử lý xong theo đáp án đã lưu. Mỗi bài thi, ông ta chỉ mất 6 giây xử lý, và việc này hiện cán bộ điều tra chưa phát hiện có người đồng phạm.
Con số vênh lệch điểm thi do ông Lương “chế tạo” đã khiến nhiều người trong hội trường cuộc họp báo kinh ngạc. Có tới 102 bài thi Toán chênh lên từ 1 điểm đến 8 điểm, trong đó nhiều bài chỉ đạt 1 điểm (qua chấm thẩm định lại mới đây), nhưng đã được nâng lên thành điểm 9, thậm chí có bài môn Hóa chỉ đạt 0,75 điểm đã được nâng lên thành 9,5 điểm. Hàng chục bài thi Lý, Anh, Ðịa… đạt điểm thẩm định chỉ là 1 - 2 điểm cũng được ông Lương “thiết kế” lên cao vọt tới 9 điểm. Nói về “quy trình” mà ông Lương biểu diễn lại, cán bộ an ninh đến từ Bộ Công an xác nhận với các nhà báo, rằng quy trình giám sát của Công an và Thanh tra Bộ, Sở chưa chặt chẽ, nên để ông Lương xử lý tất cả trong khi các thành viên ban giám sát đều ngồi đó mà không rõ. “Những người giám sát chấm thi về cơ bản không nắm được đầy đủ quy trình, thao tác khiến ông Lương qua mặt. Ðây là kẽ hở cần củng cố và tập huấn kỹ càng trong các kỳ thi sau”, cán bộ an ninh Nguyễn Cao Khương nói.
Hơn 330 bài thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang đã bị sửa điểm như thế nào?.
Tuy dữ liệu camera ghi lại chưa cho thấy có thêm cá nhân nào phối hợp với ông Vũ Trọng Lương trong 2 tiếng xử lý bài thi gian lận, nhưng đại diện an ninh Bộ Công an cho rằng “nếu chỉ thực hiện một mình thì cực kỳ khó với anh Lương”. Ðiều này căn cứ từ thực tế đoàn công tác của Bộ Giáo dục gồm 10 người phải làm trong 8 tiếng mới rút được bài kiểm tra và xác định đối sánh xem có sự sửa đổi trên bảng chấm gốc.
Nhiều nhà báo đặt câu hỏi về động cơ, mục đích của ông Vũ Trọng Lương khi thực hiện nâng điểm cho thí sinh, và hồ nghi còn có những đối tượng liên quan khác, nhưng chưa nhận được câu trả lời rõ ràng. Hiện chỉ biết cơ quan chức năng đang điều tra vấn đề này. Trả lời câu hỏi của Tiền Phong có mở rộng điều tra đối với kết quả thi năm trước hay không, đại diện Bộ GD&ÐT cho biết đã có dữ liệu thi THPT tại Hà Giang năm 2017, nếu Bộ trưởng Bộ GD&ÐT có chỉ đạo, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành làm rõ.
Bộ GD&ÐT đã thành lập Hội đồng chấm thẩm định tất cả các bài thi trắc nghiệm tại Hà Giang. Kết quả, có tất cả 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh từ 1 tới hơn 20 điểm so với thẩm định. Cá biệt, có thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm thậm chí 29,95 điểm so với thẩm định.
Bộ GD&ÐT khẳng định: “Kết quả chấm thẩm định được sử dụng để thay thế cho toàn bộ kết quả chấm bài thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở GD&ÐT Hà Giang công bố ngày 11/7”.
Sẽ xử lý phụ huynh “mua điểm”
Ðược hỏi về trách nhiệm trên vai trò trưởng ban cũng như của những người dưới quyền, ông Trần Ðức Quý đáp: “Tôi là trưởng ban thì phải chịu trách nhiệm của mình. Có những việc chúng tôi không lường trước được nhưng do yếu về chuyên môn nên tạo khe hở… Về trách nhiệm của cán bộ, chúng tôi không thoái thác, trách nhiệm đến đâu xử đến đó. Còn nói bố mẹ chạy ra, mua điểm cho các con cần thời gian của cơ quan điều tra và nếu có chúng ta sẽ xử lý theo pháp luật”.
Các phóng viên cũng đặt câu hỏi liên quan thông tin những thí sinh được nâng điểm chủ yếu là con của các lãnh đạo, cán bộ trong tỉnh và nhiều em trong số này nộp hồ sơ vào các trường công an vốn lấy điểm rất cao. Ông Trần Ðức Quý bác bỏ, nói: “Con của lãnh đạo đi thi có, trong một kỳ thi có nhiều đối tượng nhưng tôi nghĩ không lãnh đạo nào nói phải đưa con tôi vào 1 trường đại học cả. Sai ở đâu, thế nào tôi xin trả lời sau vì CQÐT vẫn tiếp tục làm việc”.
Ông Vũ Văn Sử - GÐ Sở GD&ÐT tỉnh Hà Giang cũng khẳng định: “Sự việc này không mong muốn. Ngay khi phát hiện, chúng tôi đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, quyết tâm thâu đêm suốt sáng để có câu trả lời. Chúng ta đem đến cho xã hội, các em học sinh niềm tin. Chúng tôi đã làm hết sức, trách nhiệm đến đâu chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm”.
Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm vụ can thiệp điểm thi ở Hà Giang
Ngày 17/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản số truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xử lý điểm thi bất thường ở Hà Giang. Theo đó, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Công an đã kịp thời, khẩn trương rà soát, xác minh kết quả thi bất thường của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Giáo dục và Ðào tạo phát huy ưu điểm của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia những năm vừa qua, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia.
Văn Kiên