Vừa qua, ngày 26/5, trường Đại học Mở TPHCM với sự hỗ trợ của Văn phòng tiếng Anh khu vực và Đại sứ quán Hoa Kì tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ 6 TESOL năm 2018 với chủ đề “Biến đổi dạy và học Ngoại ngữ trong kỷ nguyên hậu phương pháp”.
Các diễn giả chính như Giáo sư Tiến sĩ Marc Helgesen, học giả thuộc chương trình Fulbright, Văn phòng tiếng Anh khu vực, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; Giáo sư trợ lý, Tiến sĩ David Campbell, Khoa Nhân Văn, Trường Đại học Nông nghiệp Obihiro, Nhật Bản; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Canh, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tiến sĩ Bảo Đạt, Đại học Monash (Úc)… đã cùng nhau bàn về nhiều vấn đề liên quan đến ngoại ngữ với sinh viên.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, ngoại ngữ là một trong những hành trang quan trọng và cần thiết không những cho toàn thể học sinh, sinh viên nói riêng mà còn cho sự phát triển của đất nước nói chung. Đứng trước xu hướng này, hội thảo Open TESOL 2018 đã được diễn ra nhằm mục đích giao lưu và chia sẻ về các định hướng, lý thuyết và thực tế giảng dạy ngoại ngữ theo từng tình hình khác nhau của các địa phương.
Ngoài ra, hội thảo cũng thúc đẩy việc vận dụng, thí điểm các định hướng sáng tạo, tiên tiến trong học tập và giảng dạy ngoại ngữ trong kỷ nguyên hậu phương pháp vào thực tế cho các giảng viên Đại học, Cao đẳng, Trung học Phổ thông và các trung tâm ngoại ngữ với mong muốn có thể cải thiện chất lượng giảng dạy tiếng Anh cũng như nâng cao phương pháp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Thông qua buổi hội thảo, các đại biểu tham dự đã nhiệt tình trao đổi, bàn luận và chia sẻ những kinh nghiệm làm việc thực tế để đóng góp về cả hai mặt lý luận và thực tiễn cho việc dạy và học ngoại ngữ nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Không những thế, buổi hội thảo còn mang đến cơ hội cho các giảng viên, sinh viên được lắng nghe ý kiến, thảo luận từ các chuyên gia quốc tế về chủ đề mới đang được cộng đồng quan tâm như khoa học về hạnh phúc trong học tập và giảng dạy; các góc nhìn đa dạng về ngôn ngữ, học viên, và phương pháp giảng dạy; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tạo động lực học tập; sáng tạo trong giáo dục để truyền cảm hứng cho người học,…
Trước đó, Đại học Mở cũng đã thành công trong việc tổ chức ngày tiền hội thảo vào ngày 25 tháng 5 năm 2018 với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, các nhà khoa học, nhà quản lý, học viên cao học và các sinh viên từ hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu, các trường trung học phổ thông, các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước như Trường Đại học Monash (Úc), Trường Đại học Anh quốc (Việt Nam), Trường Đại học Concerdia, Trường Đại học Albany (Hoa Kỳ), Trường Đại học Nayoga (Nhật Bản), Trường đại học Hoa Lư, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Tài nguyên môi trường TP.HCM, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, …