Bị truy nã vẫn thành đại gia?

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Nguyễn Đình Vĩnh Tường (SN 1975, ngụ quận Gò Vấp - TPHCM) trộm cắp tài sản diễn ra từ sáng 7-11 tại TAND huyện Sông Hinh - Phú Yên buộc phải kéo dài thời gian nghị án đến chiều 9-11 vì có nhiều điều bất thường.

Bị truy nã vẫn thành đại gia?

> Xử lý nghiêm vụ thượng sĩ dâm ô:Trả lại bình yên cho vùng quê
> Chung cư rúng động vì người phụ nữ bị cắt cổ 

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Nguyễn Đình Vĩnh Tường (SN 1975, ngụ quận Gò Vấp - TPHCM) trộm cắp tài sản diễn ra từ sáng 7-11 tại TAND huyện Sông Hinh - Phú Yên buộc phải kéo dài thời gian nghị án đến chiều 9-11 vì có nhiều điều bất thường.

Phiên tòa xét xử vụ Nguyễn Đình Vĩnh Tường trộm cắp tài sản.
 

Theo cáo trạng, từ tháng 6 đến tháng 8-2000, Tường và 3 người khác tổ chức trộm 3 xe máy ở huyện Sông Hinh. Sau khi Công an huyện Sông Hinh ra quyết định khởi tố bị can ngày 7-11-2000 thì Tường bỏ trốn. Ngày 7-12-2000, công an ra lệnh truy nã Tường trên toàn quốc. Đến ngày 20-6-2012, Tường bị bắt khi đã trở thành giám đốc Công ty TNHH Giai Điệu, quản lý 2 nhà hàng ở TPHCM và góp vốn mở một salon ô tô ở TP.

Tại phiên tòa, đại diện VKSND huyện Sông Hinh đề nghị mức án 36-42 tháng tù về tội trộm cắp tài sản đối với Tường. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án có nhiều điều bất thường, có dấu hiệu vi phạm Luật Tố tụng Hình sự. Hồ sơ vụ án chỉ có quyết định khởi tố bị can của cơ quan công an nhưng không có quyết định phê chuẩn của VKSND.

“Không có quyết định phê chuẩn của VKSND thì quyết định khởi tố bị can chỉ có giá trị một nửa” - luật sư Nguyễn Khả Thành nhận xét. Đại diện VKSND thừa nhận đã thiếu sót trong việc tập hợp hồ sơ vụ án.

Dù ông Tường không thừa nhận mình tham gia trộm cắp tài sản nhưng các luật sư đều cho rằng nếu có tham gia thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng đã hết. Theo quy định, thời hiệu tối đa đối với người phạm tội trộm cắp tài sản nghiêm trọng là 10 năm, với những vụ ít nghiêm trọng thì chỉ 5 năm. Trong khi đó, từ khi công an phát lệnh truy nã đến lúc đưa ông Tường ra xét xử đã gần 12 năm.

Trong các văn bản như quyết định khởi tố bị can, lệnh truy nã đều ghi tên đối tượng là Nguyễn Vĩnh Tường. Trong khi đó, theo các chứng cứ trình bày tại phiên tòa của luật sư, từ giấy khai sinh đến CMND, sổ hộ khẩu của ông Tường đều ghi tên Nguyễn Đình Vĩnh Tường. HĐXX cũng không đưa ra được những chứng cứ hợp lý về cái tên Nguyễn Vĩnh Tường.

Tại phiên tòa, các luật sư cho rằng Tường không hề trốn lệnh truy nã. Lệnh truy nã ghi rõ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của Tường là xã Hòa Bình, huyện Tuy Hòa - Phú Yên nhưng theo sổ hộ khẩu của Tường, ông đã cắt khẩu khỏi địa bàn từ năm 1998. Theo quy định, để có giá trị, lệnh truy nã buộc phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, HĐXX không thể trưng cầu lệnh truy nã được đăng tải khi luật sư yêu cầu. Ông Tường cho rằng không hề biết bản thân bị truy nã và vẫn giữ tên khai sinh khi chuyển vào TPHCM, cũng như đổi CMND năm 2010. Cũng vì không biết bị truy nã nên ông vẫn thường về quê mà chẳng có ai hỏi đến.

Hiện nay, nhiều người vẫn không hiểu được tại sao một bị can bị truy nã như ông Tường vẫn đàng hoàng làm ăn, trở thành đại gia ở TPHCM?

Theo Hồng Ánh
Người Lao Động

Theo Đăng lại