> Mẹ Lụt
Vụ nhiễm độc ít người nhắc
Chồn chân đợi một chuyến tàu để sân ga đỡ đìu hiu, chúng tôi hướng chăm chắm cái nhìn vào một nhà bia dựng khá khang trang ngay trong sân ga sát với đường sắt.
Tấm bia đá ghi: Nơi đây ngày 20-8-1966, CBCS C895 TNXP cùng CBCNV Đường sắt khu ga Núi Gôi và nhân dân địa phương đã dũng cảm cứu chữa đoàn tàu hàng bị cháy trong trận ném bom của máy bay giặc Mỹ. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Hàng trăm người bị thương nặng. Tinh thần chiến đấu quên mình của các đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.
Có lẽ đến thời điểm này trong y văn nước Nam cùng biên niên sử trận mạc xứ mình chưa bao giờ có một vụ trúng độc lớn như thời điểm chiều 20 - 8 - 1966 ở ga Gôi.
Xin trích một đoạn trong bài báo trên báo Quân Đội Nhân Dân tháng 5-2010 “Vụ nhiễm độc ga Gôi sau 44 năm: Câu chuyện bi tráng đang bị lãng quên?” của tác giả Trần Hoàng Tiến:
Cuối năm 1965, đoàn 895 TNXP của tỉnh Thái Bình được thành lập với trên 1.200 đội viên gồm 6 đại đội, trong đó có Đại đội 895 đảm nhiệm việc nâng cấp, bảo dưỡng, khắc phục hậu quả chiến tranh trong khu vực từ Ga Gôi đến ga Cát Đằng (thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định hiện nay).
Bà Nguyễn Thị Kiều, nguyên Phó Ban Tổ chức huyện ủy Hưng Hà, nguyên Tiểu đội trưởng của Đại đội thanh niên xung phong 895 nhớ lại:
- Quân số của Đại đội 895 lúc cao điểm lên tới 200 người và đều quê ở huyện Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Đại đội được biên chế thành 10 tiểu đội, có 6 tiểu đội nữ, 4 tiểu đội nam. Anh chị em hầu hết mới ở lứa tuổi 18, đôi mươi.
Ga Gôi là khu tập kết hàng hóa để chuyển vào chiến trường. Vì vậy là một trong các trọng điểm oanh tạc của máy bay Mỹ. Một trong những lần mà ta bị thiệt hại nặng nề nhất là vụ ngày 20-8-1966…
Hôm ấy vào khoảng 17 giờ, địch cho một tốp máy bay bất ngờ bắn phá đoàn tàu vừa đến ga Gôi đang chờ lệnh vượt cầu Ninh Bình để đưa vũ khí, hàng hóa vào chiến trường. Một số toa bị trúng bom và bốc cháy. Ông Nguyễn Quang Quý, nguyên là công nhân đường sắt khu ga Trình Xuyên, kể:
"Chiều hôm ấy, chúng tôi tổ chức đại hội Đoàn tại xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, gần khu vực ga Gôi. Đang đại hội thì có báo động, sau đó nhận được tin tàu bị trúng bom. Mọi người chạy vội ra ga để tham gia cứu hàng, cứu tàu. Đến nơi thì đã có thấy rất đông anh chị em TNXP ở đó. Một số toa của đoàn tàu đang cháy dữ dội. Toa hàng hóa, gạo đổ tràn ra ngoài. Gần đầu tàu có một toa cũng đang cháy, khói da cam mờ xanh từ đó bốc lên mù mịt và nồng nặc. Không một giây lưỡng lự, mọi người lao vào bốc hàng và dập đám cháy...".
Lực lượng có mặt tại ga Gôi lúc này lên đến hàng trăm người bao gồm Đại đội TNXP 895, dân quân địa phương và công nhân đường sắt. Bà Kiều nhớ như in những hình ảnh ngày hôm ấy:
"Lúc ấy chẳng ai nghĩ gì cả, người thì lấy nước dập lửa, người thì bốc vác hàng từ trong toa ra. Mọi người quên cả đói mệt, đi lại liên tục như con thoi. Trong lúc ấy, một đồng chí cán sự huyện đội vào trong toa kiểm tra thấy các két hàng có dán ký hiệu đầu lâu, xương chéo liền báo với chỉ huy và lệnh cấp cứu được phát ra. Cùng với sức người tại hiện trường, huyện còn huy động cả xe cứu hỏa lấy nước từ khắp mọi nơi để hỗ trợ. Gần một giờ sau, đám cháy mới được dập tắt.
Tại ga Gôi, ngoài số thuốc trừ sâu độc tính cao đã hỏng và cháy, TNXP còn thu gom được 1.700 lít thuốc trừ sâu còn lại. Số bị cháy, vỡ được đem đi chôn cách xa 2 km và hiện trường được tiêu độc kỹ nhưng môi trường vẫn bị ảnh hưởng.
Một tháng sau, tiểu đoàn cao xạ của Trung đoàn 250 hành quân về xây dựng trận địa tại đây nhưng đã phải lập tức rút quân vì vị trí này vẫn còn nhiễm độc.
Lúc này, khói và mùi thuốc độc phả ra làm ô nhiễm một vùng khá rộng. Một số nữ TNXP bị ngạt và mệt lả. Chị Phạm Thị Nhớn, đội viên TNXP của Đại đội 895 là người gục ngã đầu tiên và hi sinh ngay tại chỗ. Tiếp theo, hàng loạt người tham gia cứu hàng, cứu tàu bị sùi bọt mép và ngã xuống ngất xỉu.
Trong thời gian ngắn, số người bị nhiễm độc và gục ngã tăng lên đến chóng mặt. Anh chị em nằm la liệt ở sân đình thôn Phú Thứ. Bệnh viện của huyện và tỉnh chặt cứng bệnh nhân.
Đến sáng hôm sau, 23 người gồm TNXP, công nhân đường sắt và dân quân địa phương đã hi sinh, 256 người khác bị nhiễm độc nặng phải cấp cứu. Đây là vụ nhiễm độc lớn nhất xảy ra ở miền Bắc lúc ấy".
Nhưng cũng chính vào thời khắc sinh tử ấy, đã xuất hiện nhiều tấm gương quên mình vì nhiệm vụ, vì đồng chí đồng đội. Bà Nguyễn Thị Kiều nói:
"Tôi không thể quên được hình ảnh chị Nguyễn Thị Hồng Mùi, một đảng viên trẻ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3. Chị cùng nhiều anh chị em khác lao ra hiện trường để cấp cứu đồng đội. Bất chấp nguy hiểm, chị Mùi đã trực tiếp hô hấp, cứu sống được 20 người, trong đó có tôi. Sau đó bản thân chị cũng kiệt sức và hi sinh".
Ông Tạ Xuân Mai, Phó Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Thái Bình, nguyên là Đội phó Đội 89 khi ấy, hồi tưởng:
"Ngay sau sự việc, lãnh đạo Đội chúng tôi đã huy động tối đa lực lượng để tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả. Thật không thể cầm lòng được khi chứng kiến cảnh đồng đội mình vật vã và tắt thở trong đau đớn. Có 13 TNXP của Đội 89 đã hi sinh, trong đó Đại đội 895 là 12 người, rất nhiều anh chị em bị nhiễm độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống sau này. Lúc ấy anh em tôi cũng chưa biết đó là loại chất độc gì mà gây hậu quả ghê gớm vậy. Sau này nghe các anh ở đơn vị hóa học của Quân khu 3 cho biết, đây là loại thuốc trừ sâu có độc tính rất cao, được vận chuyển với số lượng lớn…".
Đeo đẳng bi thương
Chị Nguyễn Thị Quỳ, Phó chủ tịch Hội cựu TNXP Thái Bình cho biết thêm. Vụ ga Gôi xảy ra đã 46 năm rồi, bản thân cựu TNXP đại đội 895 đã gánh chịu bao mất mát thua thiệt. Nhưng con cái gia đình họ đang phải chịu bao cảnh thương tâm.
Những người được cứu sống một số trở về địa phương thì mắc bạo bệnh mà chết như: Chị Được (xã Điệp Nông), chị Chắt, chị Trai, anh Năm (xã Kim Trung), anh Văn (xã Hùng Dũng)… Theo thống kê, trong số 85 TNXP của Đại đội 895 bị nhiễm độc đến nay đã có 11 người đã chết, 46 chị em phải chịu cảnh cô đơn không chồng, không con.
Trong đó có chị đi tu, nhiều chị sống độc thân không nơi nương tựa, ốm đau quanh năm, cuộc sống rất khó khăn. Số anh chị em xây dựng gia đình, nhiều người hạnh phúc không trọn vẹn, hoặc bị vô sinh, hoặc con bị dị tật.
Anh Đàm (xã Kim Chung) lấy vợ sinh 4 con đều thiểu năng trí tuệ (anh Đàm đã mất năm 1993). Anh Hảo (xã Minh Hòa) lấy vợ sinh nhiều lần không đậu, đến nay anh chị có một cháu gái nhưng chân lại khèo; bản thân anh Hảo bị yếu đau, bệnh tật triền miên. Anh Len, chị Nga (xã Kim Chung) có một cháu gái câm điếc. Anh Bát (xã Văn Lang) có con trai bị thần kinh, đã lao đầu vào ô tô và chết. Ngay như chị Kiều cũng không có con…
Ông Trương Công Ánh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP, bộc bạch rằng bốn mươi mấy năm qua, sự kiện ga Gôi chưa có một dòng nào trên công luận. Báo QĐND đã có lẽ lần đầu rung lên hồi chuông cảnh tỉnh các cơ quan chức năng phải khẩn trương vào cuộc để giải quyết việc này rốt ráo.
Một là, để động viên an ủi anh chị em một thời đã dũng cảm hy sinh cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Bộ GTVT đề nghị Bộ LĐ-TB-XH sớm nghiên cứu trình Chính phủ cho số anh em TNXP chống Mỹ cứu nước nhiễm độc tại ga Gôi được hưởng chế độ như thương binh liệt sĩ.
Hai là các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương triển khai những thủ tục cần thiết để giám định y khoa cho những anh chị em đã tham gia vụ ga Gôi.
Ba là, sớm công nhận danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT cho tập thể anh chị em TNXP đã hy sinh tại ga Gôi.
Ngồi mà nhẩm, đâu như trách nhiệm chỉ loanh quanh ở 3 Bộ: LĐTB&XH, GTVT, Y tế. Mong lắm việc ba Bộ có sự đồng tình đồng thuận để anh chị em TNXP Thái Bình đỡ khổ! 46 năm rồi còn gì...