Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn Nguyễn Ðắc Vinh: Thanh niên phải dấn thân và tiên phong

TP - Năm nay, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tròn 85 tuổi (26/3/1931-26/3/2016). Lớp trẻ thời đại Hồ Chí Minh luôn dám nghĩ, dám làm, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu; tiên phong ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Khẳng định vai trò và tính tiên phong của Ðoàn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Ðắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn.
Hàng nghìn bạn trẻ tham gia trong Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, tháng 8/2015. Ảnh: Xuân Tùng.

Anh Nguyễn Ðắc Vinh cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, thanh niên nước ta từ thế hệ này đến thế hệ khác đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Tổ quốc luôn trong tim

Phong trào hành động cách mạng của Ðoàn đã trở thành đặc trưng của tuổi trẻ, là phương thức hữu hiệu để Ðoàn thực hiện chức năng “trường học XHCN của thanh niên”, thưa anh?

Từ khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ kính yêu, hàng triệu thanh niên Việt Nam đã đứng lên cùng với toàn thể dân tộc làm nên một cuộc cách mạng Tháng Tám lịch sử, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông Nam Á, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trên đất nước ta.

Rõ ràng, khi Tổ quốc gọi tên mình, thanh niên Việt Nam luôn là lực lượng đi đầu xung phong ra trận. Với thanh niên, Tổ quốc luôn trong tim. Các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”..., đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam xung kích, tình nguyện, xả thân cống hiến vì đất nước, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Vai trò xung kích ấy của thanh niên tiếp tục được trao truyền, tiếp nối trong công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước và đổi mới, hội nhập với các phong trào “Tuổi trẻ xung kích sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Ðồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” là môi trường để thanh niên rèn luyện, trưởng thành và cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với bề dày lịch sử, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đã làm gì để thu hút đông đảo thanh niên thể hiện tinh thần yêu nước trên mọi lĩnh vực?

Phải khẳng định rằng, thanh niên luôn là lực lượng xung kích. Những công việc khó khăn nhất, đòi hỏi sức lực, trí tuệ, lòng nhiệt huyết đều cần đến thanh niên. Khi tiến vào những lĩnh vực mới, ai cũng kỳ vọng vào tuổi trẻ, vì sức sáng tạo của họ sẽ tạo ra nhiều bước đột phá mới. Do đó, nhiệm vụ của Ðoàn là phải làm sao cổ vũ, tạo điều kiện để đoàn viên xung kích, đi đầu.

Với từng cá nhân thanh niên, rõ ràng mỗi người có một công việc như học tập, nghiên cứu, hay lao động sản xuất, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc... Ðoàn phải tạo ra môi trường để rèn luyện, bồi đắp lòng yêu nước, hình thành lý tưởng sống cao đẹp. Làm tốt những việc đó, đoàn viên thanh niên sẽ hăng hái, làm tốt hơn công việc của mình.

Với góc độ tổ chức của thanh niên, Ðoàn phải xây dựng các phong trào hành động cách mạng để tập hợp, khuyến khích thanh niên có những hành động, việc làm tốt, đóng góp tốt nhất cho sự nghiệp phát triển KT-XH.

Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn Nguyễn Ðắc Vinh. Ảnh: Quang Lộc.

Tạo sự lay động cho xã hội

Thực tiễn cuộc sống hiện nay đòi hỏi tổ chức Ðoàn phải nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến thanh niên. Theo anh, để hoạt động Ðoàn thực sự hiệu quả, người thủ lĩnh Ðoàn cần phải làm gì?

Các phong trào của Ðoàn đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Cán bộ Ðoàn cần phải thích ứng nhanh, bắt kịp nhịp sống xã hội, xây dựng được những phong trào, hoạt động vừa hấp dẫn thanh niên, vừa có giá trị thiết thực với đất nước. Ðể phong trào có sức sống đòi hỏi phải kết hợp nhiều yếu tố, trong đó điều quan trọng là phải có sự ủng hộ của xã hội. Muốn vậy, các phong trào cần phải tạo ra sự lay động đối với thanh niên, đối với người dân. Thứ hai là phải nuôi dưỡng phong trào đó. Thanh niên muốn tình nguyện nhưng không ai tổ chức thì sẽ không làm được. Do đó, cần phải có người, có tổ chức đứng ra kết nối. Khi phong trào thực sự lay động, việc tổ chức phong trào làm sao cho tốt là khâu vô cùng quan trọng.

Có những hoạt động Ðoàn bản chất rất nhân văn nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Gặp những ý kiến đó, Ðoàn sẽ giải quyết thế nào để định hướng dư luận?

Khi làm công tác Ðoàn, gặp phải trở ngại, không suôn sẻ là chuyện bình thường. Việc tạo ra sự đồng thuận của xã hội không hề đơn giản, không phải một lúc là làm được ngay. Có những hoạt động làm mãi không ai hưởng ứng. Nhưng khi kiên trì thì sẽ lớn mạnh. Như phong trào tình nguyện bao nhiêu năm làm rồi chứ đâu phải không làm. Nhưng để bùng lên thành phong trào lớn như hiện nay là cả một chặng đường dài. Cách đây chục năm, với phong trào hiến máu nhân đạo, việc vận động từng người đi hiến máu là chuyện rất khó. Bởi khi đi khám bệnh, bị hút một ít máu, ai cũng ngại rồi, huống hồ đi hiến máu phải hút tới một bịch. Nhưng bây giờ thanh niên, người trẻ nô nức tham gia hiến máu vì họ hiểu rõ ý nghĩa nhân văn sâu sắc của phong trào chính là để cứu người.

Muốn cạnh tranh, phải có nhân lực giỏi

Ðất nước đang trong quá trình CNH-HÐH, hơn lúc nào hết, thanh niên có một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, anh đánh giá thế nào về tiềm năng thanh niên nước ta hiện nay?

Về mặt nhân lực, thanh niên là bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực. Thế giới bây giờ cũng đang cạnh tranh mạnh về nguồn nhân lực. Bản chất cuối cùng là con người đang cạnh tranh với nhau. Giờ mình muốn ngang tầm thế giới về trình độ khoa học và trình độ sản xuất, ta phải soi xem thanh niên ta giỏi hay họ giỏi. Nếu thanh niên được rèn luyện tốt, trình độ năng lực tốt, được tạo điều kiện tốt để phát huy thì đất nước sẽ phát triển. Trình độ khoa học công nghệ cao đến đâu cũng chỉ là sản phẩm của con người. Do đó, con người là yếu tố hàng đầu để nâng tầm vị thế quốc gia.

Có nguồn nhân lực giỏi, sẽ giúp một đất nước cường thịnh, vậy T.Ư Ðoàn đã, đang tham mưu gì cho Ðảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc hoạch định chính sách nhằm giúp thanh niên phát huy tối đa năng lực của mình?

Chính phủ đã công bố hai chiến lược. Một là chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2001-2010. Tiếp đến là chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020. Muốn chăm lo tốt cho thanh niên cần phải có giải pháp cụ thể, thông qua các phong trào thiết thực. Trong mỗi lĩnh vực, phải có các phong trào thi đua để thanh niên phát triển bản thân. Qua phong trào, thanh niên rèn được tinh thần và ý chí phấn đấu, giúp hình thành kỹ năng tốt hơn.

Theo anh, thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh cần hội tụ các yếu tố gì để chung vai xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?

Ðể xứng đáng với tên gọi Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, thanh niên phải là người có “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”. Tâm trong ở đây được hiểu là người thanh niên luôn trong sáng, vì mọi người. Trí sáng là trí tuệ, rèn luyện về kiến thức, nhận thức để hiểu biết liên tục được nâng lên. Hoài bão lớn là chí hướng phấn đấu của thanh niên, đã là thanh niên phải có hoài bão, ước mơ để vươn lên.

Cảm ơn anh!