Kỷ niệm 76 Năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tối 26/7, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hà Nội, Trung ương Đoàn phối hợp Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức "Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ" cấp Trung ương.
Đồng thời, lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ cấp Trung ương được tổ chức tại 9 điểm cầu tại các Nghĩa trang Liệt sĩ các tỉnh: Hòa Bình, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đắk Lắk, Trà Vinh và Thành phố Cần Thơ; cùng hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ trên cả nước được tổ chức đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố.
Dự chương trình cấp Trung ương tại Hà Nội, có Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cùng dự có các Ủy viên T.Ư Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Ban Bí thư T.Ư Đoàn; các bậc lão thành cách mạng, thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong; người có công với cách mạng; đông đảo các tầng lớp nhân dân và thanh thiếu nhi Thủ đô Hà Nội.
Mỗi phút giây bình yên được đánh đổi bằng xương máu
Phát biểu tại chương trình, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho biết, đất nước chúng ta đang mạnh mẽ vươn lên trong thời kỳ đổi mới và hội nhập cùng bè bạn năm châu; đang hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Những thành tựu trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thời gian qua khiến tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta ngày càng cao.
"Cho đến ngày hôm nay, chiến tranh đã lùi xa và trở thành một phần ký ức bi tráng của mỗi người dân. Tuy nhiên, mỗi người Việt Nam chúng ta, nhất là tuổi trẻ đều tâm niệm, mỗi phút giây bình yên mà hôm nay chúng ta được sống, mỗi thành quả được thụ hưởng đều có một nền tảng bền vững, sâu xa: đó là nền độc lập - hòa bình mà hàng triệu người Việt Nam thế hệ đi trước đã phải đánh đổi bằng máu, bằng xương", anh Huy nói.
Anh Huy cho biết, dịp 27/7 hằng năm, tuổi trẻ cả nước dành những tình cảm, hành động thiết thực để tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.
Nhiều chương trình, hoạt động được tổ chức như: Hành trình về địa chỉ đỏ; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; thăm hỏi, chăm sóc các gia đình chính sách, cựu thanh niên xung phong; tham gia chỉnh trang, tu sửa các đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng các công trình tri ân…
Thực tế, trong những ngày vừa qua, đã có nhiều công trình, phần việc ý nghĩa của thế hệ trẻ tri ân các Anh hùng liệt sĩ được thực hiện trên mọi miền của Tổ quốc của thế hệ trẻ trong các khối đối tượng: công nhân, nông dân, công chức viên chức, bộ đội, công an…
"Những công trình, phần việc ý nghĩa đó là minh chứng của sự biết ơn, cho tinh thần uống nước nhớ nguồn của thế hệ trẻ ngày nay với những công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông", anh Huy nói.
Cũng tại thời điểm này, tại 9 điểm cầu cấp Trung ương ở các Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh: Hòa Bình, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đắk Lắk; Trà Vinh và Thành phố Cần Thơ.
Cùng hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ trên cả nước, hàng triệu bạn trẻ sẽ trân trọng dâng những nén tâm nhang, những ngọn nến trên các phần mộ Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Sống có ích và hết mình cho lý tưởng của Đảng, của dân tộc
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy bày tỏ xúc động khi xem những trang nhật ký của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, cùng với liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, những người con của Thủ đô mãi mãi yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hà Nội: Chúng ta vô cùng xúc động trước những dòng viết: “Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống, chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc”.
Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và giữ bình yên cho Tổ quốc, đã có hơn 1 triệu cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong anh dũng hi sinh, trong đó có hàng trăm nghìn liệt sĩ hiện còn chưa xác định được thông tin.
Trong thời bình, ngay cả thời gian gần đây, vẫn có những người con ưu tú của quê hương ngã xuống để bảo vệ biên cương, biển đảo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường và mang trên mình thương tật, nỗi đau tinh thần và nỗi đau thân thể trong suốt cuộc đời.
"Chúng ta thành kính tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ và cùng nhắc nhở bản thân hãy trân trọng hòa bình, hạnh phúc; hãy sống có ích và hết mình cho lý tưởng của Đảng, của dân tộc ta, xứng đáng với những gì mà các anh, các chị đã dâng hiến, hy sinh", anh Huy bày tỏ.
Anh Bùi Quang Huy đề nghị, mỗi đại biểu, mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi hãy cùng nhau thắp nén tâm nhang, dâng những ngọn nến tri ân những công lao của các Anh hùng liệt sĩ bằng tất cả tấm lòng yêu mến, trân trọng.
Xin nguyện tiếp bước các thế hệ cha anh xung kích, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước ta ngày càng phát triển, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, viết tiếp bản hùng ca về dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất trong đấu tranh và năng động, sáng tạo, bản lĩnh trong phát triển đất nước, hội nhập với thế giới, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước", anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khẳng định.