Bị thai trứng bao lâu thì có thai lại được?

Thai trứng hay còn gọi là chửa trứng mà trong y học thường gọi là bệnh gai nhau ứ nước. Bệnh còn khá phổ biến ở nước ta chiếm khoảng 1/500 người có thai. Khi bị thai trứng, người bệnh cần làm gì và bao lâu thì có thể có thai lại?
Ảnh minh họa: Internet

Thai trứng hay còn gọi là chửa trứng mà trong y học thường gọi là bệnh gai nhau ứ nước. Đây là bệnh còn phổ biến ở nước ta, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế thì tỉ lệ này khá cao chiếm khoảng 1/500 người có thai; riêng ở Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và Hùng Vương tỉ lệ này cao hơn khoảng 1/100 do bệnh nhân ở các tỉnh đưa về.

Thông thường, sau khi tinh trùng kết hợp với noãn sẽ trở thành trứng thụ tinh, phát triển thành thai và các phần phụ như nhau và túi ối, sự phát triển này hài hòa với nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp tế bào nuôi phát triển quá nhanh, nên tổ chức liên kết và các mao mạch của mạch máu rốn của gai rau không phát triển kịp nên gai nhau bị thoái hóa, phù nề tạo thành các túi chứa dịch dính vào nhau giống như chùm nho chiếm gần toàn bộ buồng tử cung, hiện tượng này gọi là thai trứng.

Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây nên, mà nghĩ nhiều đến một số yếu tố làm tăng nguy cơ cho sản phụ như lớn tuổi, sinh nhiều lần, suy dinh dưỡng chủ yếu là thiếu đạm, vấn đề miễn dịch của cơ thể… Về triệu chứng, rong huyết là triệu chứng trung thành nhất, xảy ra sau khi trễ kinh vài tuần, máu chảy có thể ít hoặc nhiều, thường là máu bầm đen, loãng, kéo dài, nghén nặng, bệnh nhân nghén nặng, nôn nhiều và kéo dài; thể trạng mệt mỏi xanh xao, thiếu máu, tử cung to nhanh so với tuổi thai; đôi khi xuất hiện phù, và đái ra đạm niệu; siêu âm thì kích thước tử cung to hơn bình thường, không tương xứng với tuổi thai, thấy hình lỗ chỗ trong khối nhau như hình ảnh tuyết rơi; xét nghiệm nước tiểu thấy nồng độ hCG tăng cao.

Về tiến triển, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ, do băng huyết hoặc thủng tử cung do trứng ăn sâu vào cơ tử cung, gây chảy máu vào ổ bụng và có khoảng 30% thai trứng lành tính trở thành ung thư tế bào nuôi.

Về điều trị, nếu xác định là thai trứng thì xử trí càng sớm càng tốt, để đề phòng mất máu nhiều và phát triển thành ác tính. Nếu trứng chưa sảy thì nạo hoặc hút, đối với những phụ nữ trên 40 tuổi hoặc không muốn có con nữa thì có thể chỉ định cắt bỏ tử cung, nhằm dự phòng biến chứng ác tính.

Sau khi hút thai trứng, người bệnh được theo dõi sự co hồi của tử cung, nang hoàng tuyến, nhân di căn. Nếu thấy tử cung vẫn to, nang hoàng tuyến không mất đi hoặc xuất hiện nhân di căn thì nguy cơ ác tính rất cao, sau nạo trứng cần theo dõi nồng độ Beta-hCG mỗi tuần, đến khi âm tính 3 lần liên tục, thời gian hCG trở về âm tính sau 60 - 70 ngày.

Sau khi xuất viện; người bệnh phải được theo dõi liên tục, 2 tuần 1 lần trong 3 tháng đầu, 4 tuần 1 lần trong 6 tháng kế tiếp và 8 tuần 1 lần trong 8 tháng tiếp theo. Trong thời gian theo giõi, người bệnh không được có thai, vì có thể bị thai trứng, trong lần mang thai tiếp theo, cần thực hiện tránh thai ít nhất trong vòng 2 năm, để có đủ thời gian theo dõi và tiên lượng nguy cơ chuyển thành ác tính. Khi muốn có thai trở lại, nhất thiết phải kiểm tra nồng độ hCG trong nước tiểu.

Về phòng bệnh, trước hết cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không sinh nhiều con và quá gần nhau, khám thai định kỳ và thật cân nhắc sinh con khi đã lớn tuổi.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Theo Theo Sức khỏe & Đời sống