Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội) chia sẻ, với bài thi trắc nghiệm trong kì thi tốt nghiệp THPT, thí sinh nhất định phải mang đồng hồ để chủ động trong việc tính toán và phân bổ thời gian cho các phần, thí sinh cần mang đồng hồ, nên mang loại có kim thì việc ước lượng thời gian sẽ dễ hơn loại hiện số (không được mang đồng hồ thông minh).
Việc thí sinh không mang đồng hồ là một bất lợi rất lớn do không căn được thời gian và luôn trong tâm lí vội vàng, dễ mắc sai lầm.
Cũng theo thầy Tùng, các em cần kiểm tra kĩ đề bài và tô mã đề.
Với môn thi trắc nghiệm, thí sinh được phát đề trước 5 phút với môn tổ hợp, 10 phút với Toán, Ngoại ngữ. Giai đoạn này thí sinh chưa được làm bài mà cần kiểm tra kĩ các trang của đề xem có cùng mã đề, đủ số trang, số câu hỏi, có bị mờ hay không… Sau đó, thí sinh hoàn tất thủ tục viết và tô mã đề; việc này cần làm cẩn thận để đúng quy chế và không bị sai.
Mặt khác, theo thầy Tùng, học sinh nên làm bài theo 3 giai đoạn. Đề thi đã sắp xếp các câu từ dễ đến khó, thuận lợi cho thí sinh làm bài.
Giai đoạn 1: Làm ngay các câu dễ (nhận biết, thông hiểu). Các câu này thường không cần nháp hoặc nháp rất ít.
Giai đoạn 2: Làm các câu cần phải phân tích, nháp nhiều hơn (mức vận dụng).
Giai đoạn 3: Giải quyết các câu còn lại (thường là mức vận dụng cao). Với các câu này, không có mẹo mực nào để “điền lụi” vẫn đúng. Thí sinh cần tích cực phân tích đề, vẽ hình nếu cần, xem xét các trường hợp đặc biệt,... để chọn phương án hợp lí nhất.
Thầy Tùng cũng lưu ý thêm, để không bị bỏ quên, cần ghi ra nháp 2 cột: các câu chưa chắc, các câu chưa làm để bố trí thời gian quay lại xử lí. Cuối giờ cũng phải rà soát một lượt xem có câu nào chưa tô hoặc tô chưa đúng quy định.
“Ngoài ra, thí sinh không nên đầu hàng hay xin nộp sớm. Theo quy định thì với môn thi trắc nghiệm, thí sinh không được nộp bài sớm. Vì thế, cần chắt chiu thời gian và chiến đấu đến phút cuối cùng”- thầy Tùng nhấn mạnh.
Tập trung vào tốc độ
Thầy Trần Mạnh Tùng nhấn mạnh, thời gian là yếu tố rất quan trọng nên thí sinh không được để lãng phí. Cần đọc đề nhanh và chú ý (có thể gạch chân) từ chìa khóa. Tăng cường suy luận, tính nhẩm, càng lệ thuộc máy tính thì càng mất thời gian, tôi vẫn nói vui với học sinh rằng “cầm máy tính càng nhiều thì điểm thi càng thấp”.
“Học sinh lưu ý là mình đang làm trắc nghiệm, tức là nháp cũng cần gọn, nhanh, đừng trình bày dài dòng. Nếu trong đề đã có hình vẽ thì dùng luôn hình đó, nếu chưa có hình trong đề thì có thể tự vẽ hình (nên vẽ nhanh, đủ rõ ràng để làm bài, không cần phải vẽ bằng thước.
Thầy Tùng lưu ý thêm, thí sinh nên sử dụng linh hoạt các cách làm tùy theo đặc điểm của câu hỏi. Đề thi trắc nghiệm, mỗi cầu hỏi thường có nhiều cách để tiếp cận, để xử lí, đưa ra lựa chọn đúng (làm tự luận, thay đáp án, loại trừ, đặc biệt hóa hay nhờ máy tính hỗ trợ…).
Với mỗi câu hỏi, thí sinh cần căn cứ vào các dấu hiệu để lựa chọn cách làm phù hợp. Cách làm hay nhất là cách ngắn nhất.
“Phương châm là “không bao giờ từ bỏ”, cố gắng hết mình với từng câu hỏi, như thế thì học sinh sẽ không bao giờ nuối tiếc"- thầy Tùng đưa ra lời khuyên.