Các nhà làm luật vừa khua tay vừa hô “5 yêu cầu, không được bớt” và chất vấn bà Lam, người đang đối mặt với sức ép to lớn phải giành lại lòng tin của người dân Hong Kong và giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở thành phố trong nhiều thập kỷ. Hành động của các nhà làm luật khiến cuộc họp phải ngừng hai lần.
Khẩu hiệu mà các nghị sĩ hô lên chính là 5 yêu cầu của người biểu tình đối với chính quyền thành phố, trong đó có đòi hỏi phải tổ chức điều tra độc lập đối với tình trạng mà họ gọi là sử dụng vũ lực quá đà của cảnh sát đối với người biểu tình.
Một số nhà làm luật còn đeo khẩu trang có hình Chủ tịch Trung Quốc Cập Cận Bình khi đang trong phòng họp của cơ quan lập pháp Hong Kong và giơ áp phích yêu cầu đáp ứng đủ 5 yêu cầu.
Nhà lập pháp Tanya Chan nói rằng bà Lam là người gây ra tình trạng hỗn loạn ở Hong Kong trong suốt 4 tháng qua.
“Cả hai bàn tay bà ấy đều đã nhúng máu. Chúng tôi hy vọng Carrie Lam rút lui và từ chức. Bà ấy không có khả năng lãnh đạo...Bà ấy không phù hợp cho vị trí trưởng đặc khu”, bà Chan phát biểu với giọng đầy cảm xúc tại một cuộc họp báo sau phiên họp.
An ninh được thắt chặt trước khi bà Lam có bài phát biểu chính sách lần thứ ba. Cảnh sát chống bạo động được cử canh giữ bên ngoài và vòi rồng túc trực gần đó.
Bài phát biểu thường niên này là sự kiện khai mạc kỳ họp của cơ quan lập pháp Hong Kong, nơi nhà lãnh đạo thân Bắc Kinh đưa ra những chính sách và dự luật cho năm tới.
Do sự cố vừa xảy ra, bà Lam chọn cách đọc bài phát biểu ghi lại bằng video để truyền đi, trong đó bà thông báo các biện pháp sẽ triển khai nhằm giảm bớt tình trạng thiếu nhà ở, như tăng số lượng dự án nhà ở và đẩy nhanh việc bán các dự án nhà cho người dân.
Trong cuộc họp ngắn hôm qua, bà Lam vẫn giữ lập trường từng khẳng định nhiều lần rằng biểu tình bạo lực là điều không thể chấp nhận được.
“Những nhượng bộ được thực hiện chỉ vì bạo lực leo thang sẽ chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn. Mặt khác, chúng ta nên cân nhắc mọi biện pháp có thể để chấm dứt biểu tình”, bà nói.
Bài phát biểu của bà Lam diễn ra sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nhằm bảo vệ quyền công dân ở Hong Kong.
Đạo luật dân chủ và nhân quyền Hong Kong yêu cầu ngoại trưởng Mỹ năm nào cũng phải đánh giá xem Hong Kong có được hưởng quyền tự trị hay không, có đáp ứng được điều kiện để hưởng quy chế đối xử đặc biệt của Mỹ hay không.
Đạo luật Bảo vệ Hong Kong sẽ cấm xuất khẩu thương mại các sản phẩm quân sự và kiểm soát đám đông mà cảnh sát Hong Kong sử dụng để chống lại người biểu tình.
Luật thứ ba vừa được Hạ viện thông qua là nghị quyết không ràng buộc công nhận quan hệ của Hong Kong với Mỹ, lên án Bắc Kinh “can thiệp” công việc của thành phố và ủng hộ quyền biểu tình của người dân ở đây.
Cáo buộc “các thế lực nước ngoài” làm trầm trọng đợt bất ổn xã hội ở trung tâm tài chính toàn cầu, Trung Quốc bày tỏ “sự phẫn nộ mạnh mẽ” trước bước đi của Hạ viện Mỹ và yêu cầu Washington “dừng can thiệp”.