Bị bỏng: Chớ chọc thủng mụn nước

Rất nhiều người cho rằng cần chọc thủng các nốt phỏng thì vết bỏng mới nhanh khỏi nhưng thực chất, để an toàn cho sức khỏe, bạn phải làm ngược lại.
Ảnh minh họa: Internet

Nốt phỏng bảo vệ cơ thể

Khi bị bỏng, da xuất hiện các nốt phỏng hay còn gọi mụn nước. Nguyên nhân tạo ra các nốt phỏng này đó chính là do nhiệt tác động. Bỏng làm nóng rát và da cùng lớp mô dưới da buộc phải có một phản ứng đó là tiết dịch nhằm làm mát cấp tốc. Do đó nốt phỏng xuất hiện như tạo một lớp chất lỏng ngăn cách lớp nhiệt bên ngoài với mô bên trong nhằm giảm thiểu sự tổn thương.

Mặt khác, khi bị bỏng, một số tế bào bị chết. Sự chết tế bào tại chỗ làm giải phóng ra các chất trung gian hóa học của viêm. Các chất này kích thích giãn mạch nhằm khoanh vùng và bảo vệ đặc biệt chỗ bỏng. Do đó, dịch thoát ra bên ngoài và tạo ra nốt phỏng.

Không chỉ là một cơ chế bảo vệ tức thời, nốt phỏng còn có tác dụng bảo vệ lâu dài một thời gian sau bỏng. Đó là vì khi bỏng, lớp da trên cùng bị chết hoàn toàn. Lớp da dưới cùng còn non nớt và chưa sẵn sàng chống chọi với môi trường bên ngoài. 

Nếu để lộ lớp da non này ra ngay, vi khuẩn và chất độc xâm nhập vào bên trong cơ thể ngay lập tức và chúng ta dễ dàng bị nhiễm khuẩn. Do đó, nốt phỏng có tác dụng chống nhiễm khuẩn từ bên ngoài vào một cách tạm thời. Thế nên, bạn đừng cố chọc thủng nốt phỏng.

Ứng xử đúng với nốt phỏng

Một điều chắc chắn là bạn không được chọc thủng nốt phỏng. Bạn cũng không được lấy kéo cắt bỏ da trên bề mặt nốt phỏng.

Để giảm hình thành nốt phỏng, ngay từ khi bị bỏng, bạn cần ngâm tay, chân hoặc vùng bị bỏng vào trong nước mát tối thiểu là 30 phút. Ngay sau đó, bạn cần lau khô, bôi một lớp kem mỡ kháng sinh như kem bạc, kem sulfadiazin lên vùng bị bỏng. 

Sau đó dùng gạc và băng y tế, băng lại. Băng hơi chặt tay theo hình chu vi xung quanh vị trí bị bỏng để giảm mức độ thoát dịch. Điều này sẽ giảm được đáng kể diện tích và thể tích của nốt phỏng. Biện pháp băng này chỉ áp dụng với chân tay ngực mà không áp dụng trên mặt, cổ, bụng vì bạn có thể gây ra khó thở nếu như không biết cách.

Khi lớp phỏng đã hình thành, bạn cần vệ sinh rửa sạch sẽ hàng ngày. Bạn có thể rửa bằng dung dịch nước muối nhạt hoặc có thể dùng dung dịch thuốc tím, loại dung dịch để ngâm rau sống. Khi rửa, bạn nhớ nhẹ tay để tránh làm vỡ nốt phỏng. Sau khi vệ sinh xong, bạn thấm khô nhẹ nhàng, cũng bôi một lớp kem kháng sinh và băng nhẹ lại. Lúc này thì lại băng nhẹ chứ không băng chặt tay để tránh làm vỡ nốt phỏng. Băng kín và cho đến khi nào nốt phỏng tự tiêu.

Chú ý là khi nốt phỏng tự tiêu, bạn cũng không được dùng tay để bóc hết lớp màng da trên vùng da non. Hãy để cho da chết tự khô, bong ra và rụng đi. Sự bóc đi quá sớm có thể làm chảy máu vùng da còn dính liền và gây nhiễm khuẩn.

Trong một số trường hợp bỏng nặng, nốt phỏng sẽ không tự tiêu được. Vị trí bỏng có mùi hoại tử của da chết, xuất hiện mùi hôi thì bạn cần đến viện bỏng, khoa bỏng hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử lý thích hợp.

Theo SKGD