Trăm năm nhà cổ
Dưới chân con dốc ngắn thuộc phường Tăng Nhơn Phú A (TP Thủ Đức, TPHCM), ngôi nhà cổ trăm tuổi nổi bật giữa khu đất vuông vức, rộng khoảng 4.000m2. Đây là ngôi nhà được cụ Nguyễn Văn Giác (1875-1970) xây dựng.
Hiện ngôi nhà được ông Nguyễn Minh Luận (67 tuổi, cháu nội cụ Giác) quản lý. Ông Luận cho biết: “Ngôi nhà này được xây dựng từ thời ông nội của tôi.
Tôi nghe kể rằng ông nội tự vẽ thiết kế, rồi ra Huế mời nhóm thợ khoảng chục người vào xây dựng. Nhà được dựng theo kiểu nhà rường Huế.
Căn nhà được dựng suốt mấy năm ròng. Có điều lạ là, dù nhà dựng xong đã lâu nhưng ông nội tôi không làm được bộ cửa chính.
Phải 3 năm sau, căn nhà mới có bộ cửa bằng gỗ như bây giờ. Nguyên nhân của việc này là gì, đến giờ tôi cũng không biết”.
Căn nhà của cụ Giác có diện tích xây cất khoảng 500m2 với 3 gian, 2 chái, tiêu biểu cho kiểu kiến trúc nhà rường Huế. Phía trước căn nhà là bức tường với hệ thống cột, mái vòm.
Bức tường và hàng cột tại đây được trang trí bằng các họa tiết đắp nổi đẹp mắt theo phong cách châu Âu. Sau bức tường này, căn nhà được dựng bằng gỗ quý.
Ông Luận khẳng định, trong lúc dựng nhà, thợ mộc không sử dụng đinh. Thay vào đó, những người thợ chỉ dùng kỹ thuật ghép mộng để kết nối hệ thống kèo cột, vách gỗ…
Bên trên bộ cửa chính là vách gỗ được chạm lộng các họa tiết tinh xảo, hài hòa, vừa để trang trí vừa có tác dụng lấy sáng cho căn nhà. Các vì kèo cũng được chạm khắc hình linh vật, họa tiết mềm mại, đẹp mắt.
Bên trong nhà là hệ thống cột tròn từ gỗ quý. Dù đã ngoài trăm năm, những cây cột này vẫn không có dấu hiệu hư mục mà càng lên nước, bóng mượt theo thời gian.
Căn nhà được ngăn đôi bởi vách gỗ chạm lộng, cẩn xà cừ lấp lánh. Trước và trên bức vách này, gia đình ông Luận đặt các ban thờ Phật và cụ Giác. Phía sau vách có bàn thờ vợ của cụ Giác.
Toàn bộ nền nhà được lót bằng gạch lục giác màu đỏ. Theo giới chuyên môn, đây là loại gạch hiếm gặp trong những căn nhà cổ khác tại TPHCM.
“Làng tăng người giàu”
Phía sau nhà cổ còn có một nhà khác được gọi là nhà sau. Nhà sau cách nhà trước bởi giếng trời, nơi từng trồng nhiều loại hoa cảnh quý.
Theo ông Luận, ngày xưa, chỉ có đàn ông mới được sinh hoạt ở nhà trước. Nữ giới, người giúp việc chỉ được sinh hoạt ở nhà sau. Hiện, căn nhà sau vẫn còn nhưng đã xuống cấp, dùng làm kho chứa đồ.
Trước đây, ngôi nhà cổ được người chú của ông Luận chăm sóc. Năm 1975, ông Luận được gia đình giao nhiệm vụ bảo quản căn nhà.
Ngày dọn đến ở, ông Luận cảm thấy áp lực, lo lắng bởi căn nhà quá rộng lại có dấu hiệu xuống cấp theo thời gian, cần số tiền lớn để trùng tu.
Ông Đặng Văn Quang (72 tuổi, Trưởng khu phố 20, phường Tăng Nhơn Phú A) cho biết, trước kia nơi đây được gọi là làng Tăng Nhơn Phú, nghĩa là làng "tăng người giàu".
Cụ Nguyễn Văn Giác là một trong những người giàu có nhất làng Tăng Nhơn Phú xưa, được dân làng gọi là "ông huyện Giác".
Ngày nhỏ, ông Quang thường đến khu vực nhà cụ Giác chơi. Ấn tượng của ông về căn nhà này rất sâu đậm.
Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, có bậc thềm cao ngang đầu mình, ông Quang thích nhất khoảng sân giữa nhà trước và nhà sau của căn nhà cổ bởi nơi đây có hòn non bộ, hồ cá và đủ loại hoa cảnh.
"Lúc tôi 15-16 tuổi, ông Giác vẫn còn khỏe mạnh. Ông thường mặc bộ bà ba trắng, râu tóc bạc phơ, đứng uy nghi trên hiên nhà", ông Quang nhớ lại.
Một thời, ngôi nhà của cụ Giác từng được nhận định là một trong những nhà cổ đẹp nhất TP Thủ Đức. Hiện nay, phần đất xung quanh căn nhà ngập nước khiến cỏ dại mọc um tùm.
Sau nhiều năm, cây cỏ gần như bao phủ 3 mặt căn nhà cổ. Khoảng sân rộng trước căn nhà cũng chìm trong nước, không thể đi lại.
Dù vậy, vẻ đẹp của căn nhà vẫn nổi bật giữa 4 bề cây cỏ, khiến khách tham quan vừa thích thú vừa có cảm giác tiếc nuối khi đến thăm.
Link bài gốc: https://vietnamnet.vn/bi-an-nha-co-day-co-dai-o-sai-gon-chu-xay-xong-3-nam-moi-lam-duoc-cua-chinh-2346539.html