> Lãnh đạo tối cao Iran 'dằn mặt' Mỹ, Israel
Các chuyên gia tình báo Mỹ cũng phải than thở là họ không thể biết tất cả về các lực lượng vũ trang Iran - một kiểu tổ chức quân đội không giống bất cứ một quốc gia nào trên thế giới.
Vệ binh cách mạng có không quân và hải quân riêng
Lực lượng vũ trang của Iran về đại thể gồm hai bộ phận chính: Quân đội Cộng hoà Hồi giáo Iran (Islamic Republic Iran Army-IRIA) và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (Islamic Revolutionary Guard Corps-IRGC).
Tổng quân số của cả hai lực lượng này có khoảng 550 ngàn người, có tin nói đều được đặt dưới sự chỉ huy của Lãnh tụ tối cao Aytollah Ali Khamenei (Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iran).
Tuy không phải là lực lượng chính quy, nhưng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran IRGC cũng có cả không quân, hải quân riêng và người ta cho rằng sức mạnh của đạo quân này còn mạnh hơn cả quân đội quốc gia chính quy.
Hiện nay, quân đội quốc gia chính quy có khoảng 350.000 lính lục quân, 30.000 không quân, 18.000 hải quân. Trong khi đó Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran có khoảng 100.000 lính lục quân, 20.000 hải quân và khoảng ngần ấy không quân.
Bên cạnh hai lực lượng này, Iran còn có lực lượng bán vũ trang hơn 2 triệu dân quân (lực lượng Basij) được đặt dưới sự chỉ huy điều hành của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Lữ đoàn Jerusalem- Lực lượng biệt kích mạnh nhất thế giới
Trong biên chế của Lực lượng Vệ binh cách mạng có một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ gọi là “Lữ đoàn Jerusalem” có khoảng 2.000 người có sức chiến đấu được CIA đánh giá là “một trong những lực lượng biệt kích mạnh nhất thế giới”.
Giới phân tích quân sự quốc tế nhận định: “Lữ đoàn Jerusalem” tập hợp những chiến binh ưu tú nhất và được trang bị những vũ khí tối tân nhất. Tình báo phương Tây cho rằng, lực lượng này đã nhiều lần ra nước ngoài thực thi các nhiệm vụ bí mật.
Trong đó nổi nhất là việc hỗ trợ, giúp đỡ các chiến binh Hồi giáo phái Shiite ở các quốc gia vùng Vịnh; đến miền Nam Lebanon trực tiếp tác chiến với quân đội Israel. CIA cũng đã tìm thấy dấu vết của “Lữ đoàn Jerusalem” ở châu Phi, Nam Á và cả một số nơi ở Tây Âu.
Trước đây, “Lữ đoàn Jerusalem” đã có một số hành động quân sự phù hợp với lợi ích của Mỹ như: cử lực lượng sang Afghanistan chiến đấu chống quân Liên Xô cũ, sang giúp người Bosnia đánh người Serbia, tài trợ lực lượng Hồi giáo Shiite ở Iraq chống lại chính phủ Saddam Hussein...
Thời gian gần đây, chính phủ Mỹ đã nhiều lần chỉ trích quân đội Iran đã cung cấp các loại vũ khí trang bị kiểu mới, trong đó có loại mìn chất dẻo sát thương lớn cho lực lượng vũ trang chống đối Iraq và huấn luyện cho lực lượng này. Các nhà quan sát cho rằng, nếu Mỹ quyết định hành động chống Iran, rất có thể “Lữ đoàn Jerusalem” sẽ ra tay trước để “tiên phát chế nhân”.
Nhiều vũ khí bí mật
Về vũ khí, trang bị của lực lượng vũ trang Iran cũng được giữ bí mật ở mức tốt nhất. Theo thống kê của các cơ quan nghiên cứu quân sự quốc tế, hiện Iran sở hữu khoảng 1.800 xe tăng, 5.000 súng cối, 1.400 vũ khí chống tăng, 1.700 vũ khí phòng không, 1.030 máy bay có cánh cố định, 357 trực thăng và 319 sân bay có thể hoạt động.
Tuy nhiên, thường người ta chỉ biết đến các loại vũ khí mới của Iran khi họ có ý “khoe hàng”. Thông qua báo chí Iran, người ta mới biết đến các loại vũ khí mới được họ phát triển như: Fajr-3 (MIRV), Kowsar, Fateh-110, ngư lôi Hoot, Hệ thống tên lửa Shahab-3 và các phương tiện bay không người lái (UAV).
Hồi năm 2006, Iran đã khiến Lầu Năm góc hoảng hồn khi cho UAV do thám phía trên của tầu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ trong khoảng 25 phút mà không bị phát hiện tới khi nó trở về căn cứ một cách an toàn. Cho đến nay, người ta vẫn không biết chắc là Iran đã có vũ khí hạt nhân hay chưa.
Một số nước phương Tây nghi ngờ có thể Iran đã có, nhưng báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lại cho rằng không có chứng cứ cho khẳng định trên.
Tổ hợp công nghiệp quốc phòng hùng mạnh
Trước đây, Iran phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc mua sắm vũ khí, phương tiện quân sự của nước ngoài. Hiện nay, Iran đã có một tổ hợp công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, hiện đại, có thể tự nâng cấp trang thiết bị vũ khí.
Tính đến giữa tháng 2, Iran đã có tới 9 dây chuyền sản xuất gồm các dây chuyền sản xuất hệ thống định vị bằng laser cho pháo, các hệ thống định vị cho tên lửa chống tăng, dụng cụ cảnh báo cho hệ thống phòng thủ bằng laser để bảo vệ những khu vực nhạy cảm và quan trọng trong nước, dây chuyền sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình Zafar, các hệ thống radar tân tiến, hệ thống laser phòng không; hệ thống điện tử cho tàu ngầm, vệ tinh quan sát, đạn pháo dẫn đường thông minh bằng laser…
Năm 2012 là năm đột phá về công nghệ quốc phòng của Iran. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, Iran đã liên tục giới thiệu các loại vũ khí mới. Trong cuộc tập trận kéo dài 10 ngày ở vịnh Ba Tư hồi đầu tháng 1, Iran đã thử thành công hai loại tên lửa mới là tên lửa hành trình đất đối hạm tầm xa Ghader và tên lửa đất đối đất Nasr tầm ngắn.
Các nhà quan sát cho rằng, nếu Mỹ quyết định hành động chống Iran, rất có thể “Lữ đoàn Jerusalem” sẽ ra tay trước để “tiên phát chế nhân”.
Tiếp đó là một loạt tên lửa tầm trung cũng được Iran bắn thử trong cuộc tập trận hải quân gần eo biển Hormuz. Sắp tới, Iran còn dự định cho ra mắt máy bay tuần tra có điều khiển từ xa, tên lửa tầm xa loại mới, tàu sân bay và máy bay do thám không người lái dựa theo mô hình, công nghệ của máy bay không người lái RQ-170 Sentinel của Mỹ bị nước này “bắt sống” hồi năm ngoái.
Chính vì sức mạnh quân sự thực sự của Iran hiện còn là điều bí ẩn nên dù rất nóng mắt với Iran, nhưng Mỹ, Israel và các đồng minh cũng phải hết sức cân nhắc trước khi có một hành động nào đó chống lại quốc gia Hồi giáo này.
Thu Thủy
Theo báo chí Trung Quốc