Bí ẩn lâu đài Vạn Hoa

TP - Nằm trên mỏm núi cuối cùng của dãy núi chín ngọn mà bao đời nay người dân vạn chài Đồ Sơn (Hải Phòng) vẫn gọi “cửu long chầu ra biển” là lâu đài Vạn Hoa. Với kiến trúc Gothic, chân móng lâu đài nằm ngay mép biển được xây bằng những khối đá xanh vững chắc, đồ sộ, dày gần hai mét, cao hơn hai chục mét ngày đêm sóng vỗ.
Bà Tét-tông (ảnh nhỏ, do gia đình cung cấp). Ông Chuyện kể về lâu đài
Bà Tét-tông (ảnh nhỏ, do gia đình cung cấp). Ông Chuyện kể về lâu đài.
 

Từ biển nhìn vào, tòa lâu đài như là một pháo đài thời trung cổ ở châu Âu. Gần trăm năm tồn tại, tòa lâu đài đẹp hàng đầu xứ Đông Dương vẫn được bao phủ bởi bao điều bí ẩn. Người ta chỉ biết duy nhất chủ nhân của nó là bà Tét-tông.

Ai bỏ tiền xây lâu đài?

Hơn nửa thế kỉ nay, người dân đất Cảng vẫn truyền tai nhau về nữ chủ nhân của tòa lâu đài mang tên Vạn Hoa được xây dựng đầu thế kỉ 20. Đó là một cô bán hàng rong, một ngày đẹp trời “thần tài” gõ cửa trúng giải độc đắc xổ số Đông Dương. Số tiền trúng thưởng quá lớn đến nỗi chính quyền Pháp ở Đông Dương lúc đó phải tìm mọi cách “hạ nhiệt” niềm vui người trúng số nếu không sẽ sướng quá hóa điên mất.

Thậm chí, chính quyền còn cho thành lập một bộ phận giúp người trúng số tiêu tiền... Trong lúc bối rối chưa biết xử trí ra sao, cô thôn nữ đất Cảng này được một chàng kiến trúc sư trẻ người Pháp khi đó mới hoàn thành công việc xây dựng Nhà hát Lớn Hà Nội cầu hôn. Người có tiền, kẻ có tài, họ quyết định xây dựng lâu đài ở trên đỉnh một ngọn núi Đồ Sơn hùng vĩ nhìn ra biển Đông để lưu lại tên tuổi muôn đời.

“Các cụ ở Đồ Sơn kể lại cho con cháu là tòa lâu đài Vạn Hoa ban đầu được chính phủ Pháp xây cho Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ. Đang xây dở thì vợ chồng bà Tét-tông trúng giải độc đắc xổ số Đông Dương với giải thưởng cực lớn. Ngân khố Đông Dương cạn tiền, chính phủ Pháp liền gán tòa lâu đài cho vợ chồng Tét-tông...”, ông Hoàng Gia Chuyện (ở Đồ Sơn) nói.

“Người chủ lâu đài Vạn Hoa đó là bà tôi, bà Lê Thị Tâm”, chị Lê Thị Yến (ở đường Tô Hiệu, quận Lê Chân, Hải Phòng) khẳng định. Chị Yến cho xem gia phả dòng họ Lê, các văn bản khế ước, thừa kế của bà Tâm để lại cho con cháu. Việc vợ chồng bà Tâm bỏ tiền ra xây lâu đài Vạn Hoa là đúng sự thật. Nhưng bà có trúng giải độc đắc xổ số Đông Dương hay không thì không ai dám khẳng định, không có bất cứ văn bản, giấy tờ nào lưu lại việc trúng số ấy.

Người dân Đồ Sơn thì vẫn lưu truyền câu ca về bà Tét-tông xây tòa lâu đài: “Năm Mậu Dần nhuận hai tháng bảy/ Bà Tét-tông mở dãy ô-ten/ Bất cứ ai lạ, ai quen./ Ai không có việc thì tìm về đây./ Phu hồ bà trả hào hai...”

Cuộc đời bí ẩn của bà chủ lâu đài

Năm 1892, vợ chồng ông bà Lê Văn Chung và Đào Thị Nhự mới sinh được mụn con gái độc nhất đặt tên là Lê Thị Tâm. Bà Tâm sinh ra và lớn lên ở làng An Biên, Hải Phòng (tức phường Trại Cau, quận Lê Chân, Hải Phòng bây giờ). Là con gái một, gia cảnh cũng chẳng giàu có gì.

Thủơ con gái, bà Tâm gánh xôi chè bán rong trong phố. Lấy người chồng đầu tiên và có người con trai tên là Lê Văn Lai (lấy họ mẹ). Ít lâu sau, người chồng mất tích còn con trai bị chết một cách bí ẩn. Sau đó, bà Tâm tái giá với người chồng thứ hai là một thương gia người Pháp tên là Ones Teston. Thế là từ lúc này bà Tâm có tên gọi mới là bà Tét-tông (Teston). Bà Tâm sinh hạ cho ông Teston hai người con gái. Hiện, hai bà này định cư tại Pháp.

Với tài tháo vát, bà Tâm cùng người chồng Teston xây dựng nhiều khách sạn ở nội thành Hải Phòng, kinh doanh rất phát đạt. Không hiểu vì lí do gì, vợ chồng bà quyết định xây hẳn tòa lâu đài bề thế có một không hai ở xứ Đông Dương trên một ngọn núi Đồ Sơn.

Nơi đây có nhiều đêm thâu, toàn quyền Đông Dương, vua Bảo Đại và các quan chức đến ăn chơi. Trong lúc thi công tòa lâu đài Vạn Hoa (ở khu 3 Đồ Sơn), bà Tét-tông bỏ tiền ra xây hẳn một biệt thự sang trọng ở trên ngọn một đỉnh núi ở khu 2 Đồ Sơn cho vua Bảo Đại. Giờ, biệt thự này được gọi là Biệt thự Bảo Đại.

Tòa lâu đài được xây bằng đá xanh từ mép biển lên tận đỉnh núi trông như một pháo đài hướng ra biển Đông do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế theo phong cách Gothic. Từ chân móng đến đỉnh lâu đài cao gần 30 mét, chân móng dày gần 2 mét đỡ tòa lâu đài hai tầng, sân nhảy ngoài trời trên đỉnh núi lớn nhất Đông Dương thời đó. Mặt tiền lâu đài là một quảng trường lớn đậu được cả máy bay trực thăng và hàng trăm ô tô... vốn là đỉnh núi được san phẳng.

Ít năm sau, ông Ones Teston chết bệnh. Bà Tâm lại đi bước nữa, lấy người chồng thứ ba là viên quan người Pháp. Sau đó, viên quan này cũng chết trận.

Mong nắm tro tàn được về cố hương

“Sau năm 1945, trong dòng người di cư vào Nam có mẹ con bà Tâm. Bà Tâm vào Nam theo tướng Nguyễn Bình, vốn người thân quen gia đình bà từ hồi tướng Bình còn ở Hải Phòng. Tuy nhiên, sau khi tướng Nguyễn Bình hi sinh, hai con gái bà Tâm với người chồng Teston sang Pháp ở hẳn.

Bà Tâm sang Pháp ở với con một thời gian rồi quay lại Việt Nam. Bà ở Sài Gòn một mình, sống ẩn dật. Trước khi đi vào Nam, bà Tâm để lại giấy tờ di chúc thừa kế và toàn bộ giấy tờ sở hữu nhiều tài sản, trong đó có lâu đài Vạn Hoa cho cháu ruột là ông Lê Tuấn Cảnh cùng họ hàng. Hiện, toàn bộ giấy tờ vẫn còn...”, chị Yến kể.

Năm 1960, bà chủ lâu đài Vạn Hoa qua đời trong cô độc ở Sài Gòn. Hiện, mộ bà Lê Thị Tâm vẫn còn ở chùa Vĩnh Nghiêm. Nhiều người cao tuổi ở Hải Phòng kể lại bà là doanh nhân thành đạt có tấm lòng luôn hướng về cách mạng. Bà giúp đỡ vật chất khá nhiều cho các chiến sĩ cộng sản hồi còn hoạt động bí mật trong nội thành.

Sau ngày 13-5-1955, Hải Phòng được giải phóng, toàn bộ tài sản của bà Lê Thị Tâm, trong đó có lâu đài Vạn Hoa đều là của nhà nước.

“Ước mong lớn nhất của dòng họ Lê chúng tôi là tha thiết được đưa tro cốt của bà Tâm về với quê hương Hải Phòng để hương khói chứ mình bà nằm lại ở Tp HCM lạnh lẽo lắm”, chị Lê Thị Yến nói. Chị Yến cũng mong muốn “đưa tro cốt bà chủ lâu đài Vạn Hoa năm xưa về Đồ Sơn an táng.

Đây cũng là mong mỏi của dòng họ và cũng góp thêm địa chỉ thu hút khách du lịch cho Đồ Sơn khi họ muốn biết thực hư việc một phụ nữ đất Cảng nghèo khởi nghiệp bán hàng rong đã bỏ tiền ra xây tòa lâu đài hàng đầu Đông Dương cách đây gần thế kỉ như thế nào...”.

Theo Báo giấy