Bí ẩn biệt đội chiến binh Nepal có thể bảo vệ thượng đỉnh Mỹ - Triều

TPO - Biệt đội Gurkha được cảnh sát Singapore tuyển chọn từ các bộ tộc miền núi ở Nepal xa xôi. Mặc dù sở hữu nhiều vũ khí tiên tiến, nhưng các Gurkha không bao giờ “lâm trận” mà không có khukri – một loại vũ khí truyền thống, một con dao vừa cong vừa nặng và được cho là phải nhuốm máu kẻ thù mỗi khi rút ra khỏi vỏ.
Chiến binh Gurkha tham gia bảo vệ diễn đàn Shangri-La cuối tuần trước tại Singapore. Ảnh: Reuters

Khi đến Singapore dự hội nghị thượng đỉnh vào ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chắc chắn sẽ mang theo đội cận vệ riêng.

Dù vậy, cảnh sát nước chủ nhà vẫn lên kế hoạch chủ động triển khai hệ thống an ninh bảo vệ hai yếu nhân, với sự góp mặt của một trong những biệt đội tinh nhuệ nhất thế giới Gurkha.

Theo Reuters, biệt đội Gurkha có nhiệm vụ bảo vệ khu vực diễn ra hội nghị, cũng như quãng đường nơi các nhà lãnh đạo sẽ đi qua và các khách sạn nơi hai ông Trump – Kim sẽ nghỉ lại.

Gurkha thường ít khi hoạt động công khai, nhưng họ đã xuất hiện nhiều hơn bình thường vào cuối tuần trước khi tham gia bảo vệ khách sạn Shangri-La, nơi tổ chức diễn đàn đối thoại an ninh có sự tham gia của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và các quan chức khác trong khu vực.

Biệt đội Gurkha được cảnh sát Singapore tuyển chọn từ các bộ tộc miền núi ở Nepal xa xôi.

Các chiến binh Gurkha thường được trang bị áo chống đạn, súng trường tấn công FN SCAR do Bỉ sản xuất và súng lục.

Mặc dù sở hữu nhiều vũ khí tiên tiến, nhưng các Gurkha không bao giờ “lâm trận” mà không có khukri – một loại vũ khí truyền thống, một con dao vừa cong vừa nặng và được cho là phải nhuốm máu kẻ thù mỗi khi rút ra khỏi vỏ.

Họ là một trong những lực lượng đặc nhiệm tốt nhất mà Singapore có, và tôi tin rằng họ sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ", Tim Huxley, một chuyên gia về các lực lượng vũ trang Singapore thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết.

Tuy nhiên, người phát ngôn cảnh sát Singapore đã từ chối đưa ra bình luận về khả năng triển khai lực lượng Gurkha, cũng như số lượng các lính đặc nhiệm để bảo vệ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Chiến binh Gurkha được trang bị nhiều vũ khí tân tiến. Ảnh: Reuters

Theo IISS, tại Singapore hiện có khoảng 1.800 chiến binh Gurkha.

Là “di sản” của thời thuộc địa Anh và chính sách thực dụng của giới lãnh đạo Singapore, biệt đội Gurkha có liên quan mật thiết với truyền thống 200 năm của Anh trong việc chiêu mộ và trả công cho các đơn vị lính tinh nhuệ từ Nepal.

Hiện các chiến binh Gurkha vẫn góp mặt trong lực lượng quân đội Anh, Ấn Độ, Nepal, Brunei và Singapore.

Họ từng chiến đấu trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới, cũng như xung đột Falklands và trên chiến trường Afghanistan.

Chiến binh Gurkha ở Afghanistan. Ảnh: Reuters

Huxley cho biết biệt đội Gurkha từ lâu đã được coi là một "vũ khí quan trọng" của chính quyền Singapore, đóng vai trò là lực lượng trung lập ở một quốc gia đa sắc tộc. Biệt đội Gurkha thường được giao nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân và chống bạo động.

Vào những thời điểm căng thẳng, Gurkha tham gia bảo vệ các trường học quốc tế, và thường xuất hiện ở biên giới Singapore – Malaysia.

Biệt đội Gurkha sống với gia đình tại Trại Mount Vernon ở ngoại ô thành phố. Đây là khu vực mà người Singapore thường không được phép đặt chân đến.

Một phụ nữ kết hôn với chiến binh Gurkha sống tại Mount Vernon cho biết cuộc sống tại đây bị bó buộc bởi nhiều quy định.

“Chúng tôi có lệnh giới nghiêm vào 12h đêm. Một trong những nguyên tắc của chúng tôi là phải đi ngủ vào lúc 22h30’ hàng ngày. Ngay cả khi chúng tôi tổ chức một bữa tiệc, thì mọi hoạt động vui chơi cũng sẽ đều phải dừng lại.”

Các chiến binh Gurkha được tuyển dụng ở độ tuổi tuổi 18 hoặc 19 trước khi được đào tạo tại Singapore. Họ thường nghỉ hưu ở tuổi 45, sau đó trở về quê hương Nepal.

Con cái họ được theo học ở Singapore nhưng những người đàn ông Gurkha không được phép kết hôn với phụ nữ bản địa.

Theo Theo Reuters