Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, kỹ thuật ghép thận bệnh viện được chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Trong 7 tháng từ ca đầu tiên với 5 ca ghép thành, có 3 ca ghép thận cùng huyết thống, và 2 ca khác huyết thống (vợ hiến thận cho chồng). Sau ghép thận, sức khỏe các bệnh nhân phục hồi tốt.
Ca ghép thận mới nhất được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện ngày 3/12, cho bệnh nhân nam L.V. (SN 1986, ở Vĩnh Long). Bệnh nhân V. được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo định kỳ. Sau đó, vợ anh V. đã hiến thận để ghép cho chồng. Ca ghép thành công sau 6 giờ thực hiện. Sức khỏe của cả người nhận và người hiến thận đều phục hồi tốt nên được ra viện ngày 12/12. Việc ghép thận từ người khác huyết thống thành công là bước tiến lớn trong việc làm chủ kỹ thuật y tế phức tạp này của các bác sĩ.
Với thành công của cặp ghép thận thứ 5 kể trên, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện đã dần tiếp nhận thành công kỹ thuật ghép thận được chuyển giao, hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang chuẩn bị hồ sơ pháp lý, chuyên môn để thời gian tới ghép thận thêm 8 trường hợp. Dự kiến, ngày 17/12 ca ghép thận tiếp theo sẽ được các bác sĩ bệnh viện thực hiện.
Với việc bệnh viện lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long dần làm chủ kỹ thuật ghép thận, sẽ tạo thêm cơ hội cho nhiều bệnh nhân suy thận tiếp tục được sống và sống khỏe mạnh. Cùng đó, phần nào giảm chi phí cho gia đình người bệnh, khi không còn phải đi các bệnh viện ở TPHCM, Huế, Hà Nội... và xếp hàng chờ lịch mới được ghép thận.