'Bệnh' giả vờ

TP - Mở miệng là kêu ca, nào lương thấp, công việc vất vả, thu nhập không ổn định... Trong các đợt bình bầu danh hiệu này nọ, hầu như những người được đề cử đều từ chối để... giới thiệu người khác.

Hằng ngày, đi trên đường, người ta vội vã, tất bật đến mức vượt cả đèn đỏ, nhưng chẳng phải vì công việc, chẳng phải vì lo lắng ảnh hưởng tới “8 giờ vàng ngọc” mà có khi vội vàng hẹn nhau đến quán bia, quán cà phê để nhâm nhi, giết thời gian.

Hoặc cán bộ, công chức vội đến cơ quan cho đúng giờ để điểm danh, sau đó thì... đi đâu cũng được. Buổi chiều, tập trung vào việc được khoảng 1 tiếng đồng hồ, rồi sau đó chuyển sang đọc báo, lướt web...

Tầm 4 giờ chiều bắt đầu thấy di động nhấp nháy, ấy là lúc họ rủ nhau đi làm vài séc tennis, vài cơ bi-a, vài trận bóng bàn... hoặc vài chầu nhậu...

Thế đấy, bây giờ người ta giả vờ lĩnh lương, giả vờ đi làm, giả vờ vội vàng, giả vờ khiêm tốn... Nhìn chung, đấy đều là những kiểu giả vờ có chủ ý, bởi tuy chê lương thấp nhưng chẳng thấy mấy ai bỏ cơ quan nhà nước để ra ngoài làm, và chẳng mấy ai học xong mà không có “âm mưu” nương nhờ vào “bầu sữa” của các cơ quan, doanh nghiệp quốc doanh.

Người ta vẫn hằng ngày đều đặn sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, rồi hết năm này qua năm khác tiếp tục “sống khoẻ” với những đồng lương được cho là “đạm bạc”.

Quá quen với việc tự xếp loại ở mức “thường thường bậc trung”, tránh phô trương mà để cho (đúng hơn là chờ cho) “khánh quan đánh giá”, nên thích từ chối các danh hiệu khen thưởng.

Tuy nhiên, để ý kỹ sẽ thấy thực ra chẳng mấy ai cầm bút gạch tên mình trong các lá phiếu, bởi  trước danh hiệu đi liền với lợi lộc kia, thâm tâm họ không hề muốn mình là người ngoài cuộc.

Bùi Vũ Minh