Từ thời cổ đại, con người đã tìm kiếm cách để sống mãi mãi. Nhiều vị Pharaoh của Ai Cập hay vua chúa Trung Quốc bị ám ảnh bởi khái niệm "bất tử" và tìm đến những vị thuốc trường sinh nhằm kéo dài tuổi thọ của mình. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực ấy cuối cùng cũng không chống lại được quy luật tự nhiên. Ảnh: Science Photo Libra.
Theo Business Insider, dù được cho là bất khả thi, chủ đề về sự sống trường tồn dường như là một danh mục đầu tư hấp dẫn với các tỷ phú của thung lũng Silicon. Theo Guardian, những lãnh đạo công nghệ như Sergey Brin, Larry Page, Jeff Bezos và Peter Thiel đã đổ hàng triệu USD vào các startup để giải quyết cái chết. Ảnh: Reuters.
Những giải pháp giúp đảo ngược quá trình lão hoá hay cái chết khá đa dạng như thay đổi gen hay "thay máu". Trong số này, cách bảo quản người chết để hồi sinh trong tương lai được xem là khả thi nhất. Nhiều công ty cung cấp dịch vụ bảo quản xác chết ở nhiệt độ -196 độ C bằng nitro lỏng, hay còn gọi là phương pháp cryonics. Ảnh: Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Sơn Đông Yinfeng.
Cryonics trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là lạnh. Đây là công nghệ đóng băng thi thể ở nhiệt độ thấp (thường là -196 độ C) với hy vọng họ có thể sống lại trong tương lai. Tuy nhiên, công nghệ này từng bị hoài nghi là phản khoa học và vấp phải nhiều tranh luận trái chiều. Theo CBC, tính đến năm 2018, chi phí để trữ lạnh thi thể bằng công nghệ Cryonics có thể dao động từ 28.000 đến 200.000 USD. Ảnh: CNET.
Để thực hiện được công nghệ đông lạnh thi thể, bước đầu tiên là phải để cơ thể người đó trong môi trường lạnh. Sau khi ngừng thở, bệnh nhân được đặt trong một loạt hỗ trợ sự sống. Họ được tiêm chất làm chậm quá trình trao đổi chất, đặt nội khí quản để duy trì mức oxy và máy đập cơ học bơm tim nhằm đảm bảo máu tiếp tục lưu thông khắp cơ thể. Ảnh: Europa Press.
Sau đó, nhóm nghiên cứu hạ nhiệt độ, cho nó xuống mức -196 độ C. Đây là nhiệt độ bảo quản vĩnh viễn. Máu cũng được thay thế bằng chất chống đông y tế, bơm qua tĩnh mạch. Mục đích của nó là ngăn cơ thể đóng băng trong bể nitơ siêu lạnh. Ảnh: Cryonics Institute.
Sau khi toàn bộ quy trình đông lạnh được hoàn tất, thi thể sẽ được lưu trữ trong những chiếc “bình giữ nhiệt khổng lồ”. Các thi thể được bảo quản theo kiểu lộn ngược và chìm trong nitơ lỏng. Vài tuần một lần, cơ sở bảo quản sẽ nạp đầy nitơ lỏng vào thùng thép. Ảnh: Cryonics Institute.
Người mang tới bước ngoặt cho công nghệ cryonics là bác sĩ James Bedford. Ngày 12/1/1967, bác sĩ James Bedford qua đời ở tuổi 73 tại viện dưỡng lão. Ông bị ung thư thận đã di căn phổi. Thay vì hỏa táng hay chôn cất, thi thể của bác sĩ Bedford được đưa vào bảo quản lạnh. Ảnh: CNET.
Tuy nhiên, ông chưa từng thức dậy dù các bác sĩ vào thời điểm ấy dự kiến năm 2017 sẽ là lúc công nghệ có thể chữa được ung thư thận. Nhiều người cũng đông lạnh thi thể theo công nghệ cryonics, được gọi là "bệnh nhân" nhưng đến giờ vẫn chưa xác định chính xác khi nào các “bệnh nhân” này sẽ hồi sinh. Ảnh: CNET.
Hiện nay, thế giới chỉ có 4 cơ sở có thể thực hiện độc lập phương pháp đông lạnh thi thể ở Mỹ (CI, Alcor), Nga (KrioRus) và Trung Quốc (Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Yinfeng). Tính đến năm 2014, khoảng 250 thi thể đã tham gia quá trình đông lạnh này ở Mỹ. Ngoài ra, 1.500 người khác đăng ký chờ. Ảnh: Cryonics Institute.
Theo Zing News