Theo Reuters, Makei phát biểu tại Brussels (Bỉ) rằng, Belarus hi vọng giảm bớt căng thẳng trong khu vực, đồng thời duy trì quan hệ tốt đẹp với Phương Tây và Nga. Căn cứ quân sự lâu dài của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan sẽ làm gia tăng “sự ngờ vực” giữa các nước tong khu vực.
Trước đó, Văn phòng báo chí Bộ quốc phòng Ba Lan hôm 27/5 đã xác nhận rằng nước này dự chi hơn 2 tỷ USD để thiết lập căn cứ quân sự cho Mỹ. Động thái này là nhằm củng cố mối quan hệ an ninh thân thiết hơn với Mỹ và đối phó với Nga.
Trả lời câu hỏi của phóng viên “Động thái của Ba Lan có khiến Belarus đồng ý cho Nga lập căn cứ quân sự”, Makei nói: “Chúng tôi không triển khai căn cứ quân sự nước ngoài mới trên lãnh thổ Belarus, bởi vì chúng tôi muốn góp phần vào an ninh khu vực, chứ không gây rắc rối”. Nhưng ông cũng tuyên bố “không phải hoàn toàn là không thể” tiếp nhận căn cứ quân sự Nga.
“Nhìn về tương lai, chúng tôi cũng nên chú ý những động thái của các nước láng giềng”-Makei nói thêm, Belarus mong muốn duy trì “đối thoại quân sự” công khai trong khu vực, bao gồm “đường dây nóng” nhằm kiểm soát căng thẳng.
Makei cũng nhắc lại việc Belarus sẵn sàng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực xung đột ở miền Đông Ukraina.
Năm 2014 các cuộc đụng độ quy mô lớn đã nổ ra giữa quân đội chính phủ Ukraina và lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraina. Với sự hòa giải của cộng đồng quốc tế, 2 bên xung đột đã đạt được các thỏa thuận ngừng bắn, xác định phân giới ngừng bắn và kiểm soát được các cuộc đụng độ quy mô lớn. Tuy nhiên cho đến nay các cuộc giao tranh nhỏ vẫn chưa chấm dứt.