Bé ở nhà ngoan, đến lớp bị cô nói là tăng động

Con trai tôi 30 tháng, đang học lớp nhà trẻ 2 tuổi. Cô giáo bảo cháu quá nghịch, hay chạy nhảy, không chịu nghe lời, hay giành đồ chơi với bạn.

Cũng theo lời cô, cháu hay ra góc đất nặn chơi một mình, chỉ ngồi yên được vài phút và có khả năng bị tăng động nhẹ. Tuy nhiên, khi ở nhà, cháu chơi hòa đồng với anh chị em họ và hàng xóm, ít khi giành đồ chơi mà còn hay gọi các bạn vào cùng chơi với mình. Cháu có thể ngồi tô màu 25-30 phút nhưng thích tô các chi tiết nhỏ hơn là các hình to, trước khi ngủ thường nghe mẹ đọc truyện và bắt mẹ đọc đi đọc lại vài lần.

Cháu có trí nhớ rất tốt, thuộc nhiều bài thơ và bài hát, nhớ các địa điểm vui chơi mỗi khi đi qua mặc dù có thể mới chỉ đến đó một lần. Đêm cháu ngủ say, nếu ngủ trưa mà cho ngủ thoải mái có thể ngủ từ 12h tới 16h. Khi nghe cô giáo nói vậy, tôi thử kiểm tra bằng các hình thức hướng dẫn, yêu cầu cháu thực hiện nhiều thao tác, chơi trò chơi đóng vai, chơi trò chơi chia lượt với mẹ hoặc anh chị, cháu đều thực hiện tốt. Cháu giao tiếp nói năng bình thường, đợi mẹ hỏi xong mới trả lời và có nhiều câu nói khá thông minh. Cháu có chạy nhảy và leo trèo nhiều, nhưng không phải liên tục, lúc chạy nhảy, lúc chơi bóng, lúc chơi xếp hình hoặc ô tô xe cẩu, mỗi trò cũng chơi ít nhất 10-15 phút. Nhưng không hiểu sao cháu không thích đi học và nói không thích chơi với các bạn trong lớp.

Xin hỏi chuyên gia, con tôi có vấn đề gì về tâm lý hay tăng động không? Tôi rất lo lắng từ khi nghe cô giáo nói vậy vì từ nhỏ cháu tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, hoạt bát khỏe mạnh và rất thích chơi với bạn bè. Rất mong nhận được sự tư vấn. (Minh Hồng)

Ảnh minh họa: Livescience.

Trả lời:

Chào bạn,

Theo những thông tin bạn chia sẻ, chúng tôi thấy bé có sự khác biệt khá lớn trong hành vi, thái độ, cảm xúc giữa hai môi trường trong gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, thông tin về bé chưa đủ để chúng tôi kết luận được là cháu có bị tăng động hay không? Bạn cần theo dõi bé kỹ hơn, cả trong môi trường gia đình và môi trường xung quanh, nghe những chia sẻ tỉ mỉ của giáo viên trên lớp để có được thông tin nhiều, chính xác về trẻ đồng thời đưa trẻ đến các trung tâm hỗ trợ tâm lý, các chuyên gia tâm lý sau khi có được thông tin chính xác từ gia đình, kết hợp quan sát, đánh giá trẻ mới có thể có kết luận sàn lọc vấn đề của trẻ.

Với những đặc điểm như cháu biết ngồi tô màu, biết chơi với anh chị em và hàng xóm, biết chơi đóng vai và chia lượt với mẹ, giao tiếp nói năng của cháu bình thường, các hoạt động của cháu cũng được xen kẽ chứ không chạy liên tục… cho thấy trẻ có khả năng biết kiềm soát các hành vi của mình, khả năng mắc chứng tăng động giảm chú ý là ít xảy ra.

Những biểu hiện của cháu ở lớp có thể do môi trường lớp học cháu chưa thích nghi, cháu chưa hiểu quy tắc nên vẫn có những hành vi chưa phù hợp, điều này thường xảy ra trong khoảng 1-3 tháng đầu khi trẻ mới đi học.

Vì vậy, trước hết bạn nên trao đổi trực tiếp vấn đề này với giáo viên của cháu, tạo hứng thú cho cháu tới trường, đồng thời gia đình và các cô nên quan tâm dạy bé cách giao tiếp với người lạ, với bạn mới... kết hợp quan sát biểu hiện hành vi của bé. Nếu sau một thời gian cố gắng mà bé vẫn không có nề nếp không biết cách hòa nhập với các bạn thì gia đình nên đưa bé đến các chuyên gia tâm lý để được kiểm tra, đánh giá và có định hướng giúp đỡ bé cụ thể hơn.

Chúc bạn và bé sớm thành công.

Thạc sĩ tâm lý học Tạ Thị Thu Huế
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC

Theo Theo Vnexpress