Bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII

TPO - Chiều 29/11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII bế mạc sau khi thông qua 8 dự án luật và xem xét 10 dự án luật khác, đặc biệt đã thông qua Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi.

Kỳ họp đặc biệt quan trọng

Phát biểu bế mạc chiều 29/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Quốc hội hoàn thành tốt đẹp chương trình kỳ họp thứ 6. Đây là kỳ họp đặc biệt quan trọng với việc thông qua nhiều dự án luật, đặc biệt là Hiến pháp sửa đổi.

"Hiến pháp sửa đổi đã đề cao quyền con người, phát huy vai trò của nhân dân, thể hiện rõ các quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp. Quốc hội đã xem xét 10 dự án luật và thông qua 8 luật, trong đó có Luật đất đai sửa đổi, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước ", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Bên cạnh việc phân tích, đánh giá mặt tích cực và yếu kém, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan trong điều hành của Chính phủ, Quốc hội đã bố trí vốn cho các hạng mục ưu tiên và có nhiều giải pháp quyết liệt để cân bằng thu chi, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà tăng trưởng, tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân.

Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung Nghị quyết số 38 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh; Nghị quyết về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012.

Phiên chất vẫn trả lời chất vấn diễn ra dân chủ

Cùng ngày, Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 được Quốc hội khóa XIII thông qua với tỷ lệ tán thành 93,98%. Nghị quyết đánh giá phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra một cách dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc, được thực tiễn cuộc sống đặt ra. Ghi nhận các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã cam kết, Quốc hội đã đặt ra yêu cầu cụ thể cho các Bộ trưởng.

Xét xử nghiêm minh các vụ án về tham nhũng

Đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và hoạt động của ngành Tòa án nhân dân, Quốc hội yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ cán bộ tòa án. Thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái thẩm phán để bảo đảm phân bổ hợp lý đội ngũ thẩm phán giữa các địa phương; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng đội ngũ cán bộ ngành trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tài, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ. Phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu kiểm tra, rà soát các vụ án hình sự đã xét xử trong trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức án từ 20 năm, chung thân đến tử hình, có đơn kêu oan kéo dài nhằm phát hiện án oan, sai để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về tham nhũng, hạn chế tối đa việc áp dụng dưới khung hình phạt luật định.

Xử nghiêm chạy việc, chạy chức

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình được Quốc hội cho "khất" việc làm rõ 1% hay 30% công chức không làm được việc, nhưng từ nay đến hết năm 2014 phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá lại và có biện pháp chấn chỉnh đối với toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để báo cáo Quốc hội.

Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Nội vụ xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực chạy việc, chạy chức, chạy quyền trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng phải đẩy nhanh xác định vị trí việc làm, hoàn thiện chính sách tiền lương, tiếp tục các chương trình cải cách hành chính, công vụ, công chức...

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện

Đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn: QH yêu cầu từ nay đến năm 2015, huy động mọi nguồn lực để phục hồi tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, cả trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản, lâm nghiệp, bảo vệ rừng và trồng rừng, đặc biệt chú ý rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển gắn với việc phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo vệ các vùng sinh quyển và phát triển du lịch ven biển.

Chuẩn bị sửa Luật báo chí

Đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và lĩnh vực thông tin, truyền thông: QH yêu cầu phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, thông tin, truyền thông; tạo điều kiện hỗ trợ, đào tạo, củng cố đội ngũ làm công tác báo chí, thông tin, tuyên truyền đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, bảo đảm báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đề cao trách nhiệm của Tổng biên tập, cơ quan chủ quản báo chí và phóng viên, biên tập viên. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về báo chí, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này. Nghiên cứu, chuẩn bị trình Quốc hội sửa đổi Luật báo chí, ban hành Luật tiếp cận thông tin, Luật an toàn thông tin.

Phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an xây dựng và triển khai thực hiện đề án bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng và có các giải pháp hiệu quả bảo đảm an ninh, an toàn thông tin quốc gia.

Theo Viết