Bé gái 12 tuổi hiến giác mạc - chuyện về một 'chiến binh' phi thường

TPO - Câu chuyện về cô bé Vân Nhi (12 tuổi) vừa qua đời đã hiến tặng giác mạc của mình lại một lần nữa thắp lên ngọn lửa về tình yêu thương và sẻ chia "cuộc sống" với cộng đồng.
Thiên thần nhỏ Nguyễn Vân Nhi. Ảnh: Gia đình cung cấp

"Lá vàng khóc nghẹn tiễn lá xanh"

"Đây là bài báo mà cháu nó chọn khi tôi hỏi cháu thích bài nào nhất trên mấy tờ báo tôi mang về. Chẳng hiểu sao nó lại chọn bài này mà nước mắt tôi lại trào ra vì thương cháu" Bà Đặng Thị Chính (bà ngoại Vân Nhi) nghẹn giọng kể về cô cháu ngoại vừa vĩnh viễn ra đi của mình. 

Câu chuyện về cô bé Vân Nhi (12 tuổi) vừa qua đời đã hiến tặng giác mạc của mình lại một lần nữa thắp lên ngọn lửa về tình yêu thương và sẻ chia "cuộc sống" với cộng đồng. Căn bệnh ung thư quái ác Papylome (u nhú dây thanh quản) khiến cô bé phải chung sống với căn bệnh ngay khi mới 2 tuổi. " Cứ mỗi năm thì chúng tôi phải mang cháu đi viện 3, 4 lần để người ta dùng máy bào các hạt nhỏ li ti trong họng cho nó đừng chẹt đường thở của con bé. Mỗi lần như thế là đau đớn lắm, bởi tôi thấy có bạn nhỏ còn bị máy bào làm cho gãy cả răng, vậy mà Vân Nhi nhà tôi vẫn không hề khóc, nó chỉ sợ là đi viện như thế thì phải nghỉ học nhiều" Anh Nguyễn Hồng Thái (bác ruột bé Vân Nhi) ngậm ngùi.

Căn nhà nhỏ là nơi sinh hoạt của Vân Nhi cùng ông bà ngoại. Ảnh: Đinh Tuấn

Nằm trong con hẻm nhỏ của khu nhà tập thể đường sắt trên đường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), căn nhà nhỏ của gia đình bà Chính không còn hình ảnh của cô bé 12 tuổi ngày ngày quấn quýt bên ông bà. "Con bé ngoan lắm, ngoan vô cùng! Thế mà ông trời không thương cho cái thân già này mà mang cháu tôi đi rồi, giờ lấy ai ngồi đọc sách với tôi, lấy ai nhỏ mắt cho tôi mỗi đêm, lấy ai bắt hai vợ chồng già này phải nhắm mắt đi ngủ thì nó mới chịu đi ngủ đây" Bà Chính lại xúc động mỗi khi nhắc về đứa cháu ngoại. Ngay từ khi còn nhỏ bé Vân Nhi hầu như đều sống cùng ông bà ngoại nên dường như sự ra đi của bé khiến cho những con người ở cái tuổi "gần đất xa trời" này quặn lòng.

Bà Chính lật lại từng trang báo mà hai bà cháu đã từng đọc cùng nhau. Ảnh: Đinh Tuấn.

Qua những lời kể của gia đình, chúng tôi biết Vân Nhi của cả nhà ngoan lắm. Mới 12 tuổi thôi mà cái gì cũng tự tay chuẩn bị. Con bé tự mình vệ sinh bộ dụng cụ thở mà đã gắn với em từ nhỏ đến giờ, thích được cùng bà đọc sách báo, luôn bắt ông bà đi ngủ sớm vì lo cho sức khỏe của ông bà già yếu. Cô bé luôn biết cách chăm sóc bản thân và những người xung quanh nên được bạn bè và thầy cô yêu mến.  Sau giờ đi học là Vân Nhi lại về nhà ngoại chơi, chiều tối thì bố mẹ đi làm mới đón em về. Vì thế nên tình cảm mà ông bà dành cho em nhiều lắm. 

Bà Chính diễn tả lại vị trí bộ dụng cụ được đặt trong họng Vân Nhi giúp em dễ dàng thở hơn. Ảnh: Đinh Tuấn.

Hành động thay vạn lời nói

Anh Nguyễn Hồng Thái (bác ruột của Vân Nhi) vừa thương cháu gái, vừa thương bố mẹ kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của bé: " Bà ngoại cháu là người đầu tiên đón Vân Nhi từ trên tay bác sĩ khi nó vừa lọt lòng, 12 năm trời ăn ở cùng ông bà, con bé ngoan lắm, lễ phép, hiếu học nữa. Căn bệnh quái ác kia hành hạ nó nhiều lắm mà nó không hề khóc hay kêu ca gì. 2 tuổi gia đình chúng tôi đã phát hiện cháu khó thở, và từ đó đến nay chúng tôi đã mang cháu đi chữa trị ở tất cả bệnh viện mà vẫn không hề thuyên giảm".

Bộ dụng cụ đặt trong họng của Vân Nhi giúp em dễ dàng thở hơn. Ảnh: Đinh Tuấn.

Được lớn lên trong một gia đình mà tình thương yêu luôn trong đầy giữa các thành viên nên Vân Nhi dường như già dặn hơn so với độ tuổi 12 còn lo ăn lo học của mình. Có lẽ vậy mà khi mẹ bé đến bên giường bệnh những ngày cuối cùng để nói cho con rằng sẽ hiến giác mạc của con để cứu sống những người kém may mắn hơn thì bé đồng ý ngay. Trước một chuyện lớn như vậy mà dù không nói được, nhưng bé nháy mắt đồng ý ngay lập tức, chỉ điều đó thôi cũng khiến chúng tôi  cảm phục tấm lòng và tình yêu thương con người của cô bé 12 tuổi.

Hành trình mà Vân Nhi chiến đấu cùng bệnh tật trong suốt 10 năm qua là sự kiên cường, dũng cảm và quá đỗi thán phục. Vân Nhi được các bác sĩ đặt một lỗ thở ở cổ nên việc nói chuyện đối với em rất khó khăn, cũng chính vì thế mà em dùng hành động để thay thế những lời nói  yêu thương với mọi người. Ngay cả hành động hiến tặng đôi giác mạc của mình cho những người kém may mắn trước khi em ra đi cũng là cả một sự dũng cảm phi thường, em ra đi nhưng đã góp phần một phần thân thể của mình, đem đến điều kì diệu, đem đến ánh sáng cho cuộc sống ngoài kia...