Các thành viên ở trạm Khí tượng hải văn Trường Sa (thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ) đều còn rất trẻ. Trạm trưởng Hoàng Văn Minh mới 26 tuổi, người lớn tuổi nhất là Thanh Hải, SN 1981 và trẻ nhất là Nguyễn Tấn Trung (quê Phú Yên) nước còn chưa bị sạm màu nắng gió mới tròn 20 tuổi.
Quê Nghệ An, sau khi tốt nghiệp CĐ Tài nguyên môi trường, Hoàng Văn Minh nộp đơn xin việc ở Hà Nội. Sau thời gian công tác, Minh được điều chuyển về Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ. Về miền nắng gió lúc lửa nhiệt huyết sục sôi, vừa lúc cơ quan có đợt thuyên chuyển cán bộ ra nhận nhiệm vụ tại Trường Sa, Minh làm đơn xung phong ra đảo.
“Lúc đó nhiều người cũng bất ngờ vì mỗi chuyến công tác tại Trường Sa kéo dài 3 năm, trong thời gian đó không được về phép. Mình nghĩ tuổi trẻ cần xông pha nơi gian khó, lại được gia đình động viên nên quyết tâm lên đường nhận nhiệm vụ”, Hoàng Văn Minh kể lại.
Công việc ở trạm nhìn qua tưởng đơn giản, nhưng trên thực tế vô cùng khó khăn. Được xem là trạm quan trắc xa nhất của ngành, các chàng trai được giao nhiệm vụ quan trắc cả về khí tượng và hải văn.
Những lúc thời tiết tốt, cứ 3 tiếng một lần, họ lại thay phiên nhau thu thập số liệu quan trắc mây, độ cao của sóng, mực nước, đo nhiệt độ, độ ẩm không khí, hướng và tốc độ gió, khí áp, lượng mưa, thời gian nắng trong ngày, nhiệt độ và độ mặn nước biển, sóng biển… rồi báo cáo vào đất liền và cung cấp thông tin cho lực lượng hải quân.
“Mình là người thứ tư trong gia đình nhận nhiệm vụ ở trạm. Trước đó, em rể, chú ruột và bố mình từng là quan trắc viên nơi đầu sóng này. Cuối năm nay, em trai của mình tốt nghiệp, sẽ tiếp bước gia đình ra Trường Sa nhận nhiệm vụ. “ - Thanh Hải, người lớn tuổi nhất Trạm khí tượng Hải văn Trường Sa.
Cũng với khối lượng công việc nặng nề đó, nhưng lúc trời mưa bão, biển động, việc ra ngoài trời, đặc biệt là ra cầu cảng trở nên nguy hiểm hơn gấp bội. Cứ đúng 30 phút, số liệu phải được thu thập một lần để chuyển về trung tâm ở đất liền.
Có những đêm biển động, sóng gầm thét đánh bạt vào tận trong đảo, cây cối gãy đổ, bọt biển trùm ướt từ đầu đến chân, họ vẫn vừa quan trắc, ghi nhận số liệu về độ cao cột sóng, cường độ cơn bão, vừa phải che chắn, bảo vệ các thiết bị, nhiều lúc quên cả mối an nguy tới tính mạng.
Chỉ cần thiết bị gặp sự cố, hậu quả sẽ khôn lường. “Hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân mình đang đánh bắt hải sản trên biển, vì vậy thông tin phải chính xác để kịp thời thông báo cho bà con. Ở đây thời tiết khắc nghiệt, hơi muối làm hoen gỉ cả sắt thép nên công tác duy tu, bảo dưỡng thiết bị luôn phải đặt lên hàng đầu. Những lúc thời tiết xấu, anh em càng phải cẩn thận để tránh bị thương và bảo vệ trang thiết bị trong lều khí tượng”, Trạm trưởng Hoàng Văn Minh cho biết.
Anh em ở Trạm không thể quên được ngày 21 - 3 - 2010. Hôm đó biển động, sóng đánh trắng xóa cầu cảng, trùm lên cảng gần chục mét. Nhận nhiệm vụ ra cầu cảng, quan trắc viên Hoàng Văn Nghĩa thu thập số liệu mực nước, cấp sóng. Cả tiếng đồng hồ sau không thấy Nghĩa trở về, anh em hốt hoảng ùa ra cầu cảng tìm mãi mới thấy xác Nghĩa mắc kẹt dưới lớp san hô. Ngày Nghĩa ra đi, anh mới 25 tuổi.