Bầu Hiển chỉ đáng là ‘học trò’ bầu Đức trong bóng đá
> Bầu Đức 'mất' trăm tỷ vẫn... mỉm cười
> 'Tuyệt chiêu' móc tiền nhà nước của VFF?
Khi bầu Đức cùng đám trẻ Học viện bóng đá HAGL- Arsenal JMG gây tiếng vang tại các giải trẻ quốc tế thì bầu Hiển “âm thầm” sưu tập trọn bộ các giải thưởng danh giá nhất: vô địch V.League cùng HN T&T, vô địch Cúp QG cùng SHB.Đà Nẵng, vô địch giải U.21 báo Thanh Niên bằng đội U.21 HN T&T.
Hai ông bầu đầy quyền lực của V.League như thể ở hai cực của bóng đá Việt. Song, liệu có quá lời khi nói rằng, trong kinh doanh và trong bóng đá, bầu Hiển chỉ đáng…"học trò" bầu Đức?
* Bầu Đức đi trước, bầu Hiển dò bước theo sau
Bầu Hiển từng là nhà khoa học, công tác tại Viện Công nghệ QG vậy mà nói là “chỉ đáng học trò” bầu Đức - người còn chưa bước qua cánh cổng Đại học, liệu có phải nghịch lý?
Có một điều kỳ lạ là đường đi nước bước của hai ông bầu này trong kinh doanh và trong bóng đá rất giống nhau. Cả bầu Đức và bầu Hiển đều tự mình gây dựng nên cơ nghiệp, bắt đầu từ hai bàn tay trắng, chính vì thế, ngay từ đầu cũng gặp những trắc trở nhất định.
Khi ông Đức còn là anh thợ mộc chuyên đóng bàn ghế cho học sinh thì ông Hiển chỉ là một anh kỹ sư quèn ở Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình thuộc Đài phát thanh Hà Nội. Sau đó ông Hiển gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ QG và có thể suốt đời là anh công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về.
Một điều trùng hợp là đúng năm 1993 cả bầu Đức và bầu Hiển đều có những quyết định mang tính bước ngoặt: Năm đó bầu Đức thành lập xí nghiệp tư doanh gỗ Hoàng Anh còn ở Hà Nội, bầu Hiển thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T.
Một người làm gỗ, một người hướng kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng cuối cùng họ lại gặp nhau ở cách làm bóng đá.
Khoảng những năm 2000, cái tên bầu Đức mới thực sự nổi như cồn khi quyết định đầu tư cho bóng đá Gia Lai - vốn chẳng tên tuổi gì trong làng bóng với số tiền thời điểm đó khiến người ta choáng váng: 8 tỷ/ năm. Chỉ là đội hạng nhất, bầu Đức đã dám chơi ngông lấy về chân sút Kiatisak của Thái Lan và bảo hiểm đôi chân cầu thủ này 1,5 tỷ. Đó chưa phải là tất cả khi HAGL thực hiện chính sách thành công nhanh chóng, thu lượm rất nhiều sao ở V.League và cũng rất nhanh chóng trở thành một quyền lực trong làng bóng đá Việt Nam. Lên V.League và vô địch ngay năm đó, HAGL trở thành một hiện tượng. Bầu Đức trở thành một hiện tượng.
Tất nhiên, bầu Đức chưa bao giờ tách bóng đá ra khỏi câu chuyện kinh doanh. Thậm chí lấy bóng đá để kinh doanh và lấy kinh doanh nuôi bóng đá là mục tiêu của ông bầu phố Núi.
Bầu Hiển bước vào bóng đá chậm hơn bầu Đức 5-6 năm. Khi ông Hiển cầm HN T&T, đội này mới chỉ ở hạng 3, tức là trên phong trào một chút trong khi với tiềm lực tài chính, bầu Hiển có thể mua và đầu tư ngay một đội hạng Nhất.
Cách làm kinh doanh và cả bóng đá của bầu Hiển khác với bầu Đức. Ở ông Hiển người ta không thấy chất “ngông”, máu liều vẫn thường thấy ở bầu Đức. Chậm, chắc và tiến từng bước một rất kín kẽ.
Chẳng hạn hơn 10 năm sau khi doanh nghiệp TNHH Công nghệ và Thương mại T&T được thành lập, sau này đổi thành T&T Group, người ta vẫn chưa thể khẳng định T&T kinh doanh lĩnh vực nào, làm ra những sản phẩm gì.
Lúc thấy nói T&T thuần kinh doanh các sản phẩm điện dân dụng, độc quyền phân phối các sản phẩm điện tử của Nhật. Sau thấy nói T&T chỉ lắp ráp xe máy... Tàu, Nhật rồi bán ra thị trường. Một dạo lại nghe T&T đầu tư mạnh và kiếm lời nhiều tư bất động sản thời còn sốt...
Bây giờ thì T&T đầu tư vào các mảng chính: bất động sản, tài chính, công nghiệp, thể thao và kinh doanh xuất nhập khẩu.
Lĩnh vực đầu tư của bầu Hiển rộng như thế nào và chú trọng vào đâu thì chỉ có…bầu Hiển và các cộng sự biết. Cũng giống như việc một thời người ta “tố” ông Hiển là chủ 5 đội bóng vừa ở V.League vừa ở hạng Nhất thì bầu Hiển cười cười. Cho đến khi chuyện một ông chủ - hai đội bóng được đẩy lên cao trào với sự xuất hiện của Thanh tra Bộ VHTTDL thì bầu Hiển đã khéo léo rút vốn để tự biến mình từ vai trò một ông chủ trở thành một... CĐV nhiệt thành và nhiều tiền của cả HN T&T vẫn SHB.Đà Nẵng.
Cái khéo của bầu Hiển đối với bóng đá là như có, như không. Ông Hiển - trên danh nghĩa - chẳng là ông chủ của đội V.League nào, ấy thế nhưng khi HN T&T vô địch V.League hay SHB.Đà Nẵng vô địch Cúp QG, người ta vẫn thấy bóng dáng lồng lộng của ông Hiển ở đó.
* Cuộc đấu doanh nhân
Nếu đấu về... tiền thì ông Hiển thua. Với bầu Đức, căn cứ vào số cổ phiếu mà ông đang giữ thì tổng tài sản của bầu Đức là 7.500 tỷ đồng. Thù lao mà bầu Đức nhận được trong vai trò CT HĐQT HAGL chỉ là một khoản “khiêm tốn”, khoảng 3,5 tỷ/năm, theo cáo bạch năm 2012.
Bầu Hiển thì “nghèo” hơn. Nếu chỉ tính số cổ phiếu thì bầu Hiển chỉ có 170 tỷ nhưng người ta tính rằng, tài sản thật sự của bầu Hiển rơi vào khoảng... 1.000 tỷ. Báo chí tiết lộ mức lương của bầu Hiển ở Công ty chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) chỉ là 78,75 triệu đồng. Trong năm 2012, bầu Hiển lĩnh thù lao 1 tỷ chỉ ở SHS, chưa kể các mức lương ở SHB, T&T hay Bianfishco.
Nếu đấu về lĩnh vực đầu tư, bầu Hiển cũng…thua. Bầu Đức đi nhanh hơn trong việc khai thác lâm sản, khoáng sản, bất động sản, thủy điện, mía đường. Bầu Hiển vẫn là những lĩnh vực như đã nói ở trên.
Người ta tính rằng, trong việc vươn xa, vươn rộng đầu tư cả bầu Hiển và bầu Đức như đôi bạn song hành.
Bầu Đức “tấn công” sang Lào ở lĩnh vực kinh doanh với việc đầu tư bất động sản, trồng cao su, mía đường, khoáng sản... với đại bản doanh là Attapeu. Bầu Hiển cũng sang Lào đầu tư phần khai khoáng, ngân hàng.
Bầu Đức đầu tư cho đội bóng ở Lào là Hoàng Anh Attapeu, đưa cầu thủ của mình sang đá giải Lao.League. Bầu Hiển cũng gây dựng đội bóng SHB Champasak, cũng cử cầu thủ sang.
Nhưng bóng đá, trên mặt bằng V.League, đã tạo sự cân bằng cho bầu Hiển. Trong khi gần 10 năm trở lại đây, bầu Đức vẫn loay hoay tìm danh hiệu thì những đội bóng của bầu Hiển như HN T&T hay SHB.Đà Nẵng thay nhau thống trị V.League. Không chỉ bầu Đức mà cả V.League khi nhìn chiến quả của bầu Hiển đều ngưỡng mộ.
Chỉ có điều khi bầu Hiển vẫn say sưa với những chiến công tầm V.League thì 6-7 năm trước bầu Đức đã lại đi trước. Đó là việc đầu tư vào bóng đá trẻ với lứa học trò khóa 1 HAGL-Arsenal JMG sắp ra lò và còn nhiều lứa cầu thủ khác đang tuyển sinh.
Bầu Hiển dù mới có chức vô địch U21 báo Thanh niên nhưng những cầu thủ đó lại không hẳn do HN T&T đầu tư gieo giống từ ban đầu mà vẫn trông vào lực lượng và hệ thống trẻ của Trung tâm TDTT Hà Nội.
Liệu bầu Hiển có lập Học viện bóng đá? Cũng chưa biết nhưng với cách tính chậm mà chắc của ông Hiển, có thể một bản kế hoạch hoành tráng cũng đã hình thành…
Đi sau và là "học trò", nhưng nếu vẫn thành công thì... có sao đâu!
Theo Hoàng Lâm
Thể thao văn hóa