Trong văn bản gửi tới cơ quan chức năng, Hoàng Anh Gia Lai cho hay, cách đăng tin hoặc ghi tiêu đề sai lệch nêu trên không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động đầu tư kinh doanh, uy tín và quyền lợi chính đáng của Hoàng Anh Gia Lai và các cổ đông mà còn ảnh hưởng rất tiêu cực tới tình hình kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Sự việc được HAGL phản ánh như sau, ngày 29/5/2015, Công ty Chứng khoán Hùng Vương đã đưa ra bản báo cáo “Ai sẽ là trái chủ đầu tiên đồng ý gia hạn nợ cho HAG?”. Ngay sau đó, trang mạng, diễn đàn lấy thông tin từ nguồn khác nhưng không đăng tải đầy đủ, thậm chí biên tập lại và giật tít theo kiểu giật gân câu khách đã làm sai lệch thông tin, gây hoang mang cho các cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai.
Một số diễn đàn mạng đã có những chia sẻ, suy diễn, xuyên tạc dẫn đến hiểu sai lệch về bản chất vấn đề, làm cho cổ phiếu HAG bị bán tháo trên thị trường.
Theo HAG, các hoạt động đầu tư và kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai vẫn diễn ra bình thường. Trong lịch sử hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai, chưa từng để xảy ra nợ quá hạn và nợ xấu đối với các ngân hàng và chủ nợ.
Hiện, Hoàng Anh Gia Lai niêm yết trên thị trường chứng khoán Tp Hồ Chí Minh, có khoảng 16.000 cổ đông. Công ty và các công ty con đang hoạt động đầu tư và kinh doanh bình thường tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar.
Ngày 20/5/2015, Hoàng Anh Gia Lai đã công bố thông tin chi tiết liên quan đến số dư Nợ vay ngắn hạn trên BCTC hợp nhất Quý I/2015.
Ông Nguyễn Nhật Minh Triều, TGĐ Công ty CPCK HVS Việt Nam cho hay, bản báo cáo từ phía công ty này nêu chỉ nhằm mục đích gợi ý cho HAG để tái cấu trúc các khoản nợ và qua đó tăng thêm niềm tin cho nhà đầu tư theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Đại diện HVS cũng cho rằng, việc các trang mạng, diễn đàn đăng sai thông tin của HVS và không hề tiếp xúc, trao đổi với HVS và không được sự đồng ý của công ty này.
Theo báo cáo của HVS, mặc dù khoản nợ của HAG rất lớn nhưng nếu tính vào tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai thì số nợ này không đáng kể. Dựa theo báo cáo tài chính quý I/2015, tổng tài sản chỉ có gần 40.000 tỷ đồng, tuy nhiên đây là giá trị tài sản ghi nhận theo nguyên giá. Giá trị thị trường của các tài sản này chưa được đánh giá phù hợp. HAG hiện đang sở hữu khoảng 100.000 ha đất nông nghiệp bao gồm cọ dầu, cao su, bắp, mía…Nếu xét trên báo cáo tài chính, khoản giá trị này khoảng 7.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu tính giá trị thị trường của 1ha dầu cọ dù rớt giá khoảng 200 triệu đồng/ha thì tổng số 100.000 ha kể trên sẽ có giá trị tối thiểu khoảng 20.000 tỷ đồng, chưa bao gồm các giá trị tài sản khác như bất động sản tại Myanmar và hàng loạt dự án khác.
HVS khuyến cáo, các nhà đầu tư cần nhìn thật kỹ, không nên bán cổ phiếu vì thông tin sai lệch.