Bất thường thu hồi đất của nông dân

TP - Người dân xã Liên Trung (Ðan Phượng, Hà Nội) hàng chục năm vượt qua khó khăn ra bãi giữa sông Hồng canh tác. Vào tháng 4/2018, bỗng nhiên, chính quyền thanh lý hợp đồng, chỉ định cho doanh nghiệp thuê. Dân muốn thuê bằng giá của doanh nghiệp cũng không được đồng ý.
Bà Nguyễn Thị Chí (xã Liên Trung) với 60 năm gắn bó với đất bãi giữa sông Hồng nay bị xã lấy không của dân giao cho cá nhân khác. Ảnh: KC.

Từ những năm 1960, bà Nguyễn Thị Chí (nông dân xã Liên Trung, 76 tuổi) cùng gia đình và người dân trong xã vượt sông khai phá, canh tác tại bãi giữa sông Hồng. Vào năm 1999, con đò chở người dân sang bãi canh tác bị đắm, 7 người trong xã chết đuối, trong đó có 1 chị đang mang bầu. Sau tai nạn, người dân cả xã sợ hãi không ai dám sang sông trồng cấy nữa, đất bãi bỏ hoang.

Khi đa số người dân bỏ bãi, năm 2000, UBND xã Liên Trung bàn giao lại toàn bộ diện tích đất bãi cho HTX nông nghiệp dịch vụ Liên Trung quản lý và 30 hộ đứng ra thuê đất hàng năm và nộp sản từ đó tới nay, trong đó có gia đình bà Chí. Trong 20 năm qua, cùng với việc vượt sông sang bãi sản xuất nông nghiệp, các hộ dân phải “chiến đấu” với tàu hút cát, lò gạch ngay bên cạnh để giữ đất.

Mới đây, dù các hộ dân đang sử dụng đất bãi (hiện còn 19 hộ) phản đối nhưng UBND huyện Đan Phượng vẫn ủy quyền cho UBND xã Liên Trung đứng ra ký hợp đồng cho ông Phạm Hải Đăng, Giám đốc Cty CP Nông nghiệp Hà Nội (GFS) làm chủ đầu tư dự án rau hữu cơ thuê đất 20 năm, với giá 700.000 đồng/sào/năm.

Chủ tịch UBND xã Liên Trung Hoàng Văn Hanh lý giải, đất bãi do nhà nước quản lý, không phải do người dân khai hoang mà có nên xã có quyền cho thuê. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, việc cho thuê có đúng quy định hay không.

Luật sư Bùi Quang Hưng (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, về nguyên tắc, đất bãi bồi ven sông nay còn, mai mất do bồi lắng, xói lở. Do đó, pháp luật cho phép người đang sử dụng đất ổn định, không tranh chấp được tiếp tục sử dụng dưới hình thức giao hoặc cho thuê đất. Cụ thể, Thông tư 02/2015/TT-BTNMTcủa Bộ TN&MT (quy định về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển) nêu: Nếu người dân đang sử dụng đất bãi bồi vào mục đích nông nghiệp trước ngày 1/7/2014, được tiếp tục sử dụng đất. Khi hết hạn giao đất, cho thuê đất, người dân được tiếp tục được xem xét cho thuê đất.

Việc UBND huyện ủy quyền cho xã ký hợp đồng cho thuê 20 năm cũng cần xem xét. Bởi, Điều 59, Luật Đất đai 2013 quy định, UBND cấp huyện có quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, điều luật này cũng quy định “không được ủy quyền”. Thẩm quyền của UBND xã cũng chỉ được ký hợp đồng cho thuê đất công ích do xã quản lý không quá 5 năm.

Đặc biệt, theo Luật Đất đai hiện hành, đất nông nghiệp do xã quản lý muốn cho thuê phải thông qua đấu giá (Điều 118). Tuy nhiên, việc cho thuê đất trong trường hợp này không thông qua đấu giá. Những hộ dân đang sản xuất ổn định nơi đây dù muốn thuê lại với giá như nhà đầu tư nhưng xã không đồng ý.

Ông Nguyễn Huy Báu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và dịch vụ Liên Trung cho biết, ban đầu UBND xã Liên Trung thông báo người dân dừng sản xuất, không có đền bù hỗ trợ gì. Sau khi 19 hộ dân bị thu đất qua phản đối, xã mới thông báo hỗ trợ tiền thu hoạch hoa màu từ 400 - 600 nghìn đồng/sào.