Bất ổn ở Ai Cập: Tổ chức anh em Hồi giáo có nguy cơ bị giải tán

TP - Hôm qua, giải pháp cho cuộc xung đột đẫm máu giữa lực lượng an ninh Ai Cập và tổ chức Anh em Hồi giáo của Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi được thảo luận tại cuộc họp nội các. Thủ tướng Ai Cập chủ trương giải tán tổ chức Hồi giáo 85 tuổi.

> Ai Cập bước vào giai đoạn nguy hiểm
> Quân đội Ai Cập truy bắt 200 lãnh đạo Huynh đệ Hồi giáo

Cáo buộc Anh em Hồi giáo khiêu khích là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đụng độ đẫm máu mấy ngày qua, Thủ tướng Hazem el-Beblawi đề xuất cấm tổ chức này hoạt động và đưa họ ra ngoài vòng pháp luật.

“Sẽ không có hòa giải với những kẻ mà tay đã nhúng máu và những ai cầm vũ khí chống lại nhà nước và thể chế”, ông Beblawi phát biểu báo giới hôm 17/8. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Ziad Bahaa el-Din đề xuất chấm dứt ngay lập tức tình trạng khẩn cấp, cho phép tất cả các đảng phái tham gia chính quyền và bảo đảm nhân quyền, trong đó có quyền tự do tụ tập. Trong khi đó, Anh em Hồi giáo tuyên bố tiếp tục biểu tình trên diện rộng cho tới khi ông Morsi được trả tự do và trở lại cầm quyền sau khi bị quân đội phế truất hôm 3/7.

Vẫn chưa rõ bao nhiêu ý kiến tán thành đề xuất của ông Bahaa el-Din, khi thế hệ lãnh đạo mới của quốc gia Ảrập bị chia rẽ sâu sắc đang trải qua cuộc xung đột và đổ máu tồi tệ nhất trong 6 thập kỷ qua.

Ông Bahaa el-Din vẫn tại nhiệm sau khi Phó Tổng thống theo đường lối tự do Mohamed ElBaradei từ chức vì đợt bạo lực bùng phát tại khu biểu tình ngồi ở thủ đô Cairo giữa tuần trước. Tuy nhiên, ông Bahaa el-Din không đưa ra giải pháp cho số phận của ông Morsi hay kêu gọi tha tội cho các thủ lĩnh của Anh em Hồi giáo.

Giành chiến thắng qua 5 kỳ bỏ phiếu liên tiếp được tổ chức ở Ai Cập từ khi Tổng thống Hosni Mubarak mất quyền năm 2011, nhưng giờ đây Anh em Hồi giáo phải đối mặt nguy cơ đứng ngoài đời sống chính trị, khi những nhà lãnh đạo được quân đội hậu thuẫn tuyên bố quốc gia Ảrập này đang trong cuộc chiến với “chủ nghĩa khủng bố”. Trong một năm ông Morsi nắm quyền, Anh em Hồi giáo bị nhiều người cáo buộc là hoạt động không hiệu quả và tìm cách độc chiếm quyền hành, khiến danh tiếng của tổ chức này bị hoen ố nghiêm trọng.

Không đồng cảm với “khủng bố”

Suốt tuần qua, Anh em Hồi giáo là mục tiêu của đợt truy quét mạnh tay của chính phủ được quân đội hậu thuẫn. Chính quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp và các đợt trấn áp biểu tình khiến hàng trăm người thiệt mạng. Hiện nay, đường phố Cairo đã trở lại bình thường, nhưng binh lính vẫn canh giữ các quảng trường ở thủ đô và thực hiện giới nghiêm vào ban đêm.

Quân lính cưỡi xe bọc thép đứng chốt tại nhiều điểm, còn lực lượng dân phòng kiểm tra tất cả ô tô vào ban đêm để lục tìm vũ khí. Các ngân hàng và thị trường chứng khoán mở cửa trở lại sau đợt truy quét giữa tuần qua, nhưng chỉ số chứng khoán nhanh chóng giảm 2,5%.

Sau khi cảnh sát phá dỡ lều trại của người biểu tình, khiến ít nhất 638 người thiệt mạng ngày 14/8, Anh em Hồi giáo mở chiến dịch “Ngày giận dữ” hôm 16/8, hậu quả là ít nhất 173 người chết trong các cuộc xung đột, trong đó có con trai của lãnh tụ tinh thần của tổ chức này.

Cảnh sát đã bắt hơn 1.000 thành viên Anh em Hồi giáo cùng nhiều vũ khí, Bộ Nội vụ Ai Cập thông báo. Cơ quan thông tấn nhà nước đưa tin, 250 người có thể bị kết tội giết người, âm mưu giết người hoặc khủng bố.

Chính phủ lâm thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lắng nghe họ sau nhiều ngày bạo lực xảy ra khắp cả nước. Cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Ai Cập tung ra một đoạn phim về đợt bạo lực gần đây và buộc tội “những kẻ khủng bố” gây ra lộn xộn. Cơ quan này cũng chỉ trích báo chí quốc tế vì các bài báo thể hiện đồng cảm với những người biểu tình ủng hộ ông Morsi và Anh em Hồi giáo. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lên án những cuộc tấn công vào nhà thờ, bệnh viện và các cơ sở công cộng, cho rằng chính quyền và các chính trị gia Ai Cập phải có trách nhiệm chấm dứt bạo lực.

Ngày 18/8, Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại và nhà tài trợ lớn của Ai Cập, tuyên bố đang xem xét lại quan hệ với nước này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu ra tuyên bố chung nói rằng, “không thể biện hộ hoặc tha thứ bạo lực”, quân đội Ai Cập có trách nhiệm chấm dứt tình trạng bạo lực ở nước này. Dự kiến, EU triệu tập cuộc họp khẩn cấp về vấn đề này trong một vài ngày tới.

TRÚC QUỲNH
tổng hợp

Theo Báo giấy