Tin hot BĐS tuần qua:

Bất ngờ vụ siết nợ cao ốc nghìn tỷ, khởi tố CĐT 'ôm' quỹ bảo trì

TPO - Thủ tướng giao Bộ Công an khởi tố hành vi 'ôm' quỹ bảo trì chung cư; Bán hết nhà, 'ông lớn' BĐS vẫn nợ hàng trăm tỷ tiền sử dụng đất; Yêu cầu 2 bộ vào cuộc vụ '1,39 km đường đổi 100 ha đất' của Dabaco; Tình tiết bất ngờ vụ siết nợ cao ốc nghìn tỷ cao thứ 3 Hà Nội... là những thông tin về bất động sản đáng chú ý tuần qua.

Thủ tướng giao Bộ Công an khởi tố hành vi 'ôm' quỹ bảo trì chung cư

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Theo chỉ thị, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm các chủ thể có hành vi nghiêm trọng trong quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định pháp luật. 

Tình tranh chấp về phí bảo trì diễn ra phổ biến tại nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội gây bức xúc cho cư dân. Ảnh: Ninh Phan.

Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng thẩm định dự án, thực hiện công tác nghiệm thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy cũng như việc thực hiện thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; xử lý nghiêm các vi phạm... (Xem chi tiết)

Bán hết nhà, 'ông lớn' BĐS vẫn nợ hàng trăm tỷ tiền sử dụng đất

Hàng trăm căn biệt thự, nhà liền kề Khu đô thị Ao Sào đã có người dân về sinh sống, nhưng chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 vẫn nợ hơn 331 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Ảnh: Ninh Phan.

Trong số 8 doanh nghiệp nợ hơn 749 tỷ đồng tiền sử dụng đất vừa bị Cục Thuế Hà Nội công khai thì riêng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 nợ tiền sử dụng đất trên 331 tỷ đồng tại dự án khu chức năng đô thị Ao Sào (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Được biết, đến nay dự án đã hoàn thành xây và bán sản phẩm nhà ở thương mại, trong khi nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng vẫn chưa thực hiện. (Xem chi tiết)

Yêu cầu 2 bộ vào cuộc vụ '1,39 km đường đổi 100 ha đất' của Dabaco

Liên quan đến thông tin Bắc Ninh "đổi 100 ha đất lấy 1,39km đường" cho nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ. Nhất là về sự cần thiết, tổng mức đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư, quỹ đất dự kiến thanh toán.

Tuyến đường H2 có chiều dài chỉ hơn 1,39km thực hiện theo hình thức hợp đồng BT mà Bắc Ninh dự kiến giao cho Dabaco.

Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu đề xuất biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc ngang giá, không thất thoát tài sản Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của các hộ dân có đất bị thu hồi và quyền lợi của nhà đầu tư, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 15/11. (Xem chi tiết)

Cao ốc sai phép 8B Lê Trực có kết cấu không bình thường?

Theo Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc - Đơn vị được giao thực hiện phá dỡ sai phạm giai đoạn 1 công trình 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) thì công trình này là kết cấu dầm treo nên không phải là một công trình kết cấu bình thường. Do đó, việc phá dỡ giai đoạn 2 (tầng 17 và 18) nếu tiến hành thì phải phá bỏ cả tòa nhà.

Công trình sai phép 8B Lê Trực.

Ngoài ra, theo lập luận của Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc, công trình sai phép 8B Lê Trực được cấp phép xây dựng 18 tầng, chủ đầu tư đã tự ý xây dựng 19 tầng (tầng 19 sai phạm đã được phá bỏ hoàn toàn). Như vậy, nếu chỉ xét theo số tầng vi phạm thì công trình 8B Lê Trực đã được xử lý xong vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chủ đầu tư đã tự điều chỉnh chiều cao mỗi tầng thêm vài chục cm cho phù hợp nên tổng chiều cao tòa nhà tăng lên. Nhưng nếu phá bỏ tiếp tầng 17 và 18 (giai đoạn 2) thì số tầng còn lại là 16 tầng không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp là 18 tầng. (Xem chi tiết)

Tình tiết bất ngờ vụ siết nợ cao ốc nghìn tỷ cao thứ 3 Hà Nội

Dự án Tokyo Tower có mức đầu tư nghìn tỷ, được chủ đầu tư quảng bá là tòa nhà cao nhất quận Hà Đông và là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội.

Liên quan đến việc Ngân hàng Đại Chúng Việt Nam (PVcombank) thu giữ tài sản đảm bảo tại dự án Tokyo Tower (trước đây có tên gọi là chung cư Vinafor hay Hanoi Landmark 51 Tower) tại  phường Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) do liên danh Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 và Công ty Thương mại Hoàng Vương làm chủ đầu tư để xử lý nợ xấu, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án trên đã gửi đơn kêu cứu vì họ cho rằng bị "đem con bỏ chợ" khi dự án bị siết nợ. Thậm chí có trường hợp tố việc cùng 1 căn hộ nhưng bán cho nhiều khách hàng. (Xem chi tiết)

Chủ tịch TP Hà Nội khẳng định không thất thoát hơn 3.900 tỷ đồng

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung khẳng định, không có việc thất thoát số tiền hơn 3.900 tỷ đồng trong việc chuyển đổi 38 dự án “đất vàng” trên địa bàn. Ông lý giải, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đưa ra con số này do cách tính và quan điểm của TTCP khác với các bộ.

TTCP chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ thương mại (Dự án Hanoi Aqua Central) tại 44 đường Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội).

Trước đó, TTCP đã có kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại Hà Nội giai đoạn 2003 - 2016. Theo đó, TTCP thanh tra trực tiếp tại 38 dự án, kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm tại các dự án này với tổng số tiền sai phạm lên tới hơn 3.900 tỷ đồng mà nguyên nhân là do sơ hở chính sách. (Xem chi tiết)