Bất động sản đến hồi thoái vốn
> Bơm thêm tiền không cứu nổi BĐS
Thị trường BĐS đang diễn ra cuộc sàng lọc lớn. Những DN không có chức năng chính là kinh doanh BĐS đã và đang thoái vốn khỏi lĩnh vực này. Các DN khác buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Khắp nơi thoái vốn
Thông báo hoàn tất chuyển nhượng cổ phần tại Cty Vinaconex Hoàng Thành, TCty Vinaconex (VCG) đã chính thức rút khỏi siêu dự án ParkCity đang “đắp chiếu” hàng năm trời, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của Vinaconex. Trước đó, Vinaconex cũng đã thoái phần lớn vốn tại một số đơn vị thành viên khác có liên quan đến BĐS và xây dựng.
Theo Vinaconex, nguyên nhân của việc thoái vốn để “tái cơ cấu danh mục đầu tư” của TCty. Tuy nhiên, nhìn vào cách thoái của “đại gia” này đủ biết họ đã khốn khổ như thế nào khi đầu tư dàn trải, đặc biệt là vốn đổ vào BĐS. Tại dự án ParkCity - 1 dự án có quy mô 77ha với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng và dự kiến được phát triển và hoàn thiện trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, sau 2 năm khởi động, hiện hạng mục lớn nhất dự án làm được mới là 1 trục đường chính chạy giữa dự án...
Trước Vinaconex thì đã có không ít tập đoàn tên tuổi khác cũng đã vội vã tiến hành thoái sạch vốn khỏi sân chơi BĐS như Kinh Đô, Hoa Sen... Tình trạng này cũng đã không phải là quá hiếm với các NĐT nước ngoài. Mới đây, trong hội nghị với NĐT của mình, Quỹ BĐS của VinaCapital cho biết trong thời gian tới sẽ không đầu tư vào dự án mới mà sẽ rút vốn, nâng cao lợi nhuận và hoàn vốn cho NĐT. Thời gian qua, quỹ cũng đã thoái vốn hoàn toàn tại 10 dự án và thoái vốn một phần tại một dự án khác hơn 357,6 triệu USD đã được đầu tư vào các lĩnh vực chính, gồm cả các dự án mới, dự án đình trệ và các tài sản đang khai thác.
Cứu hay không cứu?
Có thể nói, việc một số DN BĐS đã bắt đầu ồ ạt giảm giá càng làm cho người dân thấy rằng mặt bằng giá lâu nay vốn được các DN gọi là “đáy” vẫn ảo. Thêm một lý do để củng cố quan điểm là các DN này liên tục kêu khó khăn, nhưng vẫn giữ giá nhà đất ở mức cao ngất ngưởng tới mức kỳ quặc và vượt quá khả năng của đại bộ phận người dân có nhu cầu mua nhà đất thực sự.
Nói như ông “bầu” Đức của HAGL thì đã qua rồi thời hoàng kim của thị trường BĐS những năm 2006-2007. Lĩnh vực này không còn mang lại siêu lợi nhuận như trước, nhưng không phải là không có lợi nhuận. Lãnh đạo một số DN cũng cho rằng, DN nên tự cứu mình bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, chủ động giảm giá vì cứ đưa ra giá mềm thì sẽ có người mua, thậm chí không cần khuyến mãi vì tất cả đều được tính vào giá thành. “Vấn đề hiện nay là sự sống còn của DN, nếu ngày trước lời 10 đồng thì bây giờ lời 1 đồng đã tốt” - chủ một DN BĐS TPHCM nhận định.
Có lẽ đây cũng là lựa chọn của nhiều DN BĐS thời điểm này. Theo sau mức giá sốc của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai dành cho dự án Thanh Bình trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM (dù không phải giảm giá hàng tồn mà chỉ giảm giá bán căn hộ chưa xây) thấp hơn 30 - 50% so với các dự án lân cận, tại TPHCM, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chân hơn, đưa ra hàng loạt sản phẩm nhằm thu hút các khách hàng tiềm năng.
Mới đây, sàn giao dịch BĐS Hòa Bình đã chào bán căn hộ thuộc dự án Babylon với mức giá trung bình từ 14,9 triệu đồng/m2. Khách hàng chỉ cần có hơn 700 triệu đồng là đã có thể sở hữu 1 căn hộ ưng ý, đặc biệt trả góp không lãi suất thành 9 đợt trong khoảng 2 năm. Cty TNHH địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (đơn vị phân phối độc quyền) cũng vừa công bố bán 30 căn hộ cuối cùng của dự án Quang Thái Apartment. Giá bán chỉ từ 1 tỉ đồng/căn.
Vậy thì một câu hỏi đặt ra ở đây là cứu hay không cứu thị trường trong bối cảnh này? Đã có luồng ý kiến cho rằng trong thị trường này đã có những con bệnh quá nặng. Nếu bây giờ giảm lãi suất cho vay để cứu các Cty đang mấp mé bờ vực phá sản thì chỉ giống như tiêm thần dược cho người hấp hối để họ sống lại, nhưng chắc cũng chỉ sống lay lắt.
Điều này về lâu dài không lợi cho nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta nói về một thị trường bong bóng, vậy sao chúng ta không để nó “xì hết hơi”, tức nguồn cơn của bệnh tật được giải quyết, cơ thể mới khỏe mạnh.
Hãy quan tâm đến đại bộ phận người dân đang có nhu cầu lớn về nhà ở, nhưng những cánh tay của họ vẫn chưa thể với tới mức giá bán cho một căn hộ trung bình hiện nay. Hãy để cho thị trường tiếp tục rơi giá, cho đến khi đường cung gặp đường cầu, lúc đó chúng ta mới có thể có một thị trường phát triển lành mạnh.
Theo Lao động