Bất động sản dẫn đầu danh sách lỗ
> Lượng bất động sản tồn kho hơn 83 nghìn tỷ đồng
Bất động sản là ngành có số doanh nghiệp thua lỗ chiếm tới 30% tổng số doanh nghiệp thua lỗ đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Tính đến hết tháng 7, trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, có 65 doanh nghiệp báo lỗ trong quý II (hoặc của công ty, hoặc của công ty mẹ). Trong đó, có 19 công ty thuộc nhóm ngành xây dựng - bất động sản, chiếm tỷ trọng gần 30% tổng số doanh nghiệp niêm yết vừa báo lỗ.
Trong số các công ty bất động sản báo lỗ, chủ yếu rơi vào các công ty có quy mô trung bình, tuy nhiên cũng có những gương mặt lớn, như CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS). Trong quý II/2012, cả doanh thu thuần và giá vốn hàng bán của SJS đều âm, lần lượt ở mức 1,9 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp âm cả quý là 737 triệu đồng. Cùng kỳ năm trước, SJS lãi gộp 540 triệu đồng. Doanh thu tài chính tăng 3,75 tỷ đồng nhưng không đủ bù đắp chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý. Do đó, SJS lỗ 13,1 tỷ đồng trong quý 2-2012. Cùng kỳ này năm trước, Công ty lãi 24 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của SJS đạt 10,2 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp âm hơn 7 tỷ đồng, do giá vốn hàng bán lớn. Nhờ hoàn nhập hơn 16 tỷ đồng chi phí tài chính, nên 6 tháng đầu năm nay, SJS lỗ 5,6 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, diễn biễn giá cổ phiếu SJS cũng tương đồng với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này. Cụ thể, nếu ở thời điểm đầu tháng 6, thị giá cổ phiếu SJS dao động quanh mức 38.000 - 39.000 đồng/cổ phiếu, thì nay mặt bằng giá cổ phiếu này chỉ dao động quanh mốc 31.000 đồng/cổ phiếu.
Không riêng SJS, một số cổ phiếu khác thuộc họ Sông Đà cũng chịu chung số phận lỗ trong quý 2, như CTCP Sông Đà 9.06 (S96), CTCP Sông Đà (S27)…
Trong quý II/2012, lợi nhuận sau thuế của S96 âm hơn 600 triệu đồng. Khoản lỗ này, theo lý giải của S96 là do trong quý II, Công ty không có doanh thu do đang giảm dần tỷ trọng xây lắp, chuyển dần sang hoạt động kinh doanh các dự án bất động sản. Trong khi đó, do xu hướng trầm lắng chung của thị trường bất động sản, Công ty chưa bán được dự án bất động sản, dẫn đến không có doanh thu.
Diễn biến giá cổ phiếu S96 cũng phản ánh sát thực trạng của doanh nghiệp. Theo đó, sau khi giảm một nhịp từ mốc 9.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm xuống mặt bằng 7.000 đồng/cổ phiếu vào giai đoạn tháng 6, cổ phiếu S96 lại tiếp tục tụt thêm một nhịp nữa và hiện dao động quanh mốc 5.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, S27 có kết quả kinh doanh không mấy khả quan với mức lỗ ròng hơn 3,07 tỷ đồng trong quý II, cao hơn nhiều so với mức lỗ 1,96 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, nâng mức lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2012 lên 6,27 tỷ đồng. Đây là quý thứ 6 liên tiếp S27 báo lỗ. Năm nay, Công ty dự kiến mức lỗ là 7,6 tỷ đồng.
Tình hình thua lỗ khiến giá cổ phiếu S27 giảm từ mặt bằng khoảng 3.000 đồng/cổ phiếu (đầu tháng 6) xuống chỉ còn trên 2.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm hiện tại.
Ngoài các công ty họ Sông Đà, nhiều doanh nghiệp bất động sản - xây dựng khác cũng không tránh khỏi tình trạng thua lỗ. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình trầm lắng của thị trường bất động sản. Một số doanh nghiệp bất động sản khác nằm trong danh sách thua lỗ, như CTCP Bất động sản Việt Nam (VNI), CTCP Đầu tư Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR), CTCP Sông Đà Cao Cường (SCL)…
Sau những khó khăn trong nửa đầu năm 2012, giới đầu tư kỳ vọng, doanh nghiệp bất động sản sẽ dễ thở hơn trong nửa cuối năm, ít nhất là áp lực lãi suất đã giảm hơn.
Ngoài ra, sự phục hồi bước đầu của nền kinh tế cũng giúp các doanh nghiệp dần thoát khỏi khó khăn. Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt hơn do các nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng khả năng tiếp cận tín dụng và gói hỗ trợ, các chỉ số sản xuất công nghiệp là tiêu dùng, tồn kho, nhập khẩu đều nhúc nhích tăng…
Theo Chí Tín
Baodautu.vn