Từ tháng 4/2017 đến nay, một số đầu nậu đã thu gom mua hàng nghìn mét đất ruộng của dân và ngang nhiên san lấp đất nông nghiệp tại ngách 268/74 đường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội. Bà Đ.T.T (người dân tổ 17) cho biết, các đối tượng này liên tục thuê máy xúc, máy ủi san lấp rầm rộ, ngang nhiên đổ vật liệu lên các khu đất này. Thậm chí họ còn làm 1 căn nhà giữa cánh đồng cũ, biến đất ruộng thành đất vườn, xây tường bao xung quanh. Cũng theo người dân nơi đây, một ruộng rau muống khác cách không xa cũng ngang nhiên bị lấn chiếm, đổ đất biến thành đất vườn và xây dựng công trình nhà.
Liên quan đến việc đất nông nghiệp bị san lấp thành đất vườn và xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thuỵ, bà Nguyễn Thị Hoài cho biết, 2 công trình trên thuộc tổ 17, phường Ngọc Thụy. Ngay sau khi phát hiện công trình vi phạm tại khu đất nông nghiệp, tổ thanh tra xây dựng đã lập biên bản vi phạm hành chính và Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy đã ra Quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với chủ đầu tư tổ chức thi công lắp dựng công trình tạm nhà tre, mái lá trên diện tích đất nông nghiệp không được phép xây dựng, lắp dựng. Sau đó chủ đầu tư đã xin tự khắc phục vi phạm.
Giải thích cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất vườn, bà Hoài khẳng định: “Khu vực đất là toàn bộ cánh đồng Gia Thượng, trước đây UBND quận Long Biên đã có Quyết định cho phép chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả. Đa số cánh đồng đã san lấp hết, riêng khu vực đất này nằm trong hồ rau muống rất sâu, khi làm con đường 40 m chạy qua nước thải đổ dồn gây ô nhiễm nên người dân không trồng rau muống mà xin đổ đất trồng cây. Việc các hộ dân xin san lấp vẫn nằm trong phạm vi trồng cây chứ không sử dụng sai mục đích”.
Lãnh đạo phường Ngọc Thụy đưa ra Quyết định số 667/QĐ-UBND ngày 21/4/2008 của UBND quận Long Biên phê duyệt đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng năm sang trồng cây ăn quả khu vực Gia Thượng, địa bàn tổ dân phố tổ 17,19 phường Ngọc Thụy, có diện tích 18,68 ha. Theo đó, mục tiêu của đề án nêu rõ: Phấn đấu trong năm 2008 chuyển đổi được 10 ha. Tuy nhiên, thời hạn thực hiện đề án chỉ kéo dài 5 năm.
Để tìm hiểu kỹ hơn về hiệu lực của đề án nói trên, PV đã có buổi làm việc với ông Đỗ Huy Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên. Ông Chiến khẳng định, đề án chỉ có thời hạn 5 năm và đến nay đã hết hiệu lực. UBND quận Long Biên có buổi họp liên quan đến việc quản lý sử dụng đất đai quanh đường 40m. Riêng đối với Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng năm sang trồng cây ăn quả khu vực trong đồng phường Ngọc Thụy (năm 2008) đối với khu đất 18,68 ha, UBND quận đã giao UBND phường Ngọc Thuỵ thông báo tới các hộ gia đình cá nhân sử dụng đất trong khu vực về việc dừng triển khai Đề án này.