Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp đã phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng phương án trình lãnh đạo Bộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ - ông Đặng Thanh Sơn (Cục trưởng Quản lý xử lý vi phạm hành chính) cho biết.
Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ
Trong buổi họp báo thường kỳ sáng 20/7, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho hay, thời gian qua đơn vị nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không mang đăng ký xe bản gốc. Trong đó, nhiều trường hợp đăng ký xe đang được thế chấp tại các tổ chức tín dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Nắm bắt tình hình này, Bộ đã giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và một số đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý.
Thừa nhận việc CSGT xử phạt theo Nghị định 46 là có cơ sở pháp lý nhưng theo ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Quản lý Xử lý vi phạm hành chính - Bộ Tư pháp, trên thực tế các tổ chức tín dụng đã giữ đăng ký xe bản gốc khi cho vay tiền để đảm bảo hoạt động kinh doanh, tránh phát sinh nợ xấu, hạn chế. Quy định về chứng thực, bản sao công chứng có giá trị sử dụng thay cho bản chính. Thực tế này làm cho người dân hoang mang và có tình trạng nhiều người có ý định dừng thế chấp đăng ký để vay tiền hoặc mua phương tiện.
“Hệ thống pháp luật chưa ổn, chưa đồng bộ khiến việc thực hiện các quy định của pháp luật bị chồng chéo. Hiện cả nước có khoảng 1,3 triệu ô tô tham gia giao thông có thế chấp đăng ký gốc nên việc xử phạt tài xế lỗi này sẽ tác động tiêu cực tới tình hình kinh tế, người dân sẽ không thế chấp để vay vốn nữa. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tiễn, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án trình Bộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này”, ông Sơn nói.
Về chi tiết đề xuất phương án giải quyết, ông Sơn cho biết, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, hướng dẫn cụ thể nên xử lý phải có quy định sửa đổi bổ sung thống nhất cách hiểu. Đồng thời, phải đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, cũng như thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ sẽ thông tin trên các phương tiện truyền thông.
Đề xuất tạm dừng xử phạt
Trước đó, ngày 11/7 Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị xem xét tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị vận tải khi mua xe ô tô phải thế chấp đăng ký cho các tổ chức tín dụng bằng cách chỉ đạo Bộ Công an lùi thời gian xử lý vi phạm này cho đến khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an thống nhất phương án thực hiện.
Trao đổi với Tiền Phong về việc này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm đồng ý việc xử phạt của CSGT và cho rằng việc xử phạt này có lợi khi xử lý các vụ việc tài xế gây ra sự cố, tai nạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo ông Liên, xử phạt thời điểm này chưa hợp lý, chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay do nhiều quy định giữa luật giao thông và quy định vay vốn, thế chấp tài sản không đồng bộ, thống nhất. Việc xử phạt sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế khiến đơn vị sản xuất ô tô không bán được xe, ngân hàng không cho vay được vốn và doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong đầu tư kinh doanh. Thời gian qua, nhiều chủ doanh nghiệp, phương tiện có phàn nàn, lo lắng vì sợ bị phạt trong khi nhiều người không dám thế chấp tiếp tục đầu tư
kinh doanh.
Còn lãnh đạo Phòng Tuần tra cao tốc - Cục CSGT cho hay, sau khi Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đơn vị chưa nhận được chỉ đạo nào về việc lùi thời gian xử phạt. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát linh động phạt lỗi quên đăng ký thay vì phạt lỗi không có đăng ký. Vị Phó trưởng phòng cũng cho biết, lỗi không có đăng ký bị phạt 2,5 triệu đồng, kèm theo tạm giữ phương tiện 7 ngày; lỗi quên đăng ký bị phạt 300.000 đồng.
Gia đình “bầu Kiên” hứa nộp 75 tỷ nhưng không thực hiện
Trong buổi họp báo của Bộ Tư pháp sáng 20/7, Phó tổng cục trưởng Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực cho biết, bản án của tòa có hiệu lực từ năm 2014, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB) phải nộp 75 tỷ đồng trốn thuế để sung công quỹ. Cơ quan thi hành án đã ra các quyết định nhưng trong quá trình thực thi, gia đình ông Kiên nhiều lần hứa hẹn, cam kết nộp tiền tự nguyện song đều không thực hiện. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự phải áp dụng cưỡng chế tài sản theo đúng quy định.
Theo ông Lực, Chi cục Thi hành án dân sự quận 10 (TPHCM) đã kê biên 3 bất động sản của ông Kiên để đảm bảo thi hành án. Gia đình ông Kiên có phản ánh liên quan đến việc đấu giá đất tại số 5 Hồ Biểu Chánh nên đơn vị quyết định thành lập đoàn kiểm tra xác minh toàn bộ việc thi hành án, bán đấu giá tài sản. “Đoàn kiểm tra đã hoàn tất công tác kiểm tra, tuy nhiên vẫn đang trong quá trình hoàn thiện kết luận. Theo kế hoạch, ngày 30/7, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ công bố kết luận này. Nếu gia đình ông Kiên không đồng ý thì lãnh đạo Bộ Tư pháp sẽ trực tiếp xem xét và giải quyết”, ông Nguyễn Văn Lực nói.
Nguyễn Hoàn