Giao thông ở nước ta đang được nhà nước quan tâm đầu tư cải thiện hàng ngày, nhằm mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), đưa mạng lưới giao thông nước ta theo kịp với giao thông tiên tiến của các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh nào đó, chúng ta thấy vẫn còn nhiều bất cập. Ở đây, cần nói riêng về cơ sở hạ tầng đường bộ, xin đưa ra một số ví dụ thực tế làm dẫn chứng.
Nói về bảng biểu chỉ dẫn cho các phương tiện tham gia giao thông, không ai cảm thấy hài lòng. Nó được làm quá bé, chữ quá nhỏ, không tương xứng con đường hay tốc độ cho phép của phương tiện.
Chẳng hạn, một biển chỉ hướng rẽ trên đường cho phép tốc độ ô tô 80 km/h, chỉ có kích thước khoảng 1m x 0,8m. Nếu muốn nhìn rõ để đổi hướng vào địa danh cần đến, thì người điều khiển xe lập tức phải giảm tốc độ tối đa và phải vào sát lề đường mới đọc được rõ chữ. Như vậy, không ít sự cố sẽ có thể xảy ra.
Điều này xuất hiện ở nhiều nơi, kể cả trên đường cao tốc, các đường vành đai đi tránh thành phố trên cả nước. Nếu do nguồn kinh phí có hạn, xin đừng vì thế mà để xảy ra hệ lụy vì nó.
Tuyến Quốc lộ 5 Hải Phòng gần đây đã có những nâng cấp, cải tiến rõ rệt, mang tính đồng bộ với tiêu chuẩn của tuyến đường. Biển báo nội thị đã được trưng bằng các biển to, chữ lớn và treo ngang mặt đường.
Các biển chỉ hướng rẽ cũng đã được thay một số biển lớn. Ngồi trên ô tô chạy với tốc độ cho phép 50 hay 80 km/h, cách 50m vẫn có thể nhìn chữ rõ ràng.
Đường gom đại lộ Thăng Long cũng tồn tại bất cập. Hai bên đường gom là hướng đi một chiều của ô tô, nhưng lại là hướng đi ngược chiều của phương tiện xe máy, xe thô sơ.
Trong khi hướng đi cùng chiều với ô tô thì có tới 98% các phương tiện tham gia giao thông. Còn lại 2% phương tiện đi ngược chiều, chủ yếu là bà con địa phương dùng xe máy, xe đạp đi qua lối thông giữa hai đường gom được mở dưới đường cao tốc để đi làm ruộng hay từ ruộng về nhà.
Nếu sử dụng xe ô tô, chắc chắn lái xe sẽ chọn phương án an toàn là đi phía bên trái để đảm bảo tốc độ và tránh va quệt với 98% các phương tiện cùng chiều, nhưng lại có thể bị lực lượng CSGT tuýt còi, vì đi sai làn đường.
Trường hợp này, ngành chức năng nên nghiên cứu kẻ thêm một tuyến nhỏ nét liền ngoài, kèm nét đứt trong, dành cho các phương tiện phía đi ngược chiều để tránh bất cập cho cả các tuyến phương tiện.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả