Bắt bệnh không trung thực trong giáo dục

TP - Thiếu trung thực đã thành căn bệnh của ngành giáo dục bấy lâu nay. Cũng chính vì vậy mà rất nhiều nơi, nhiều chỗ người ta nói dối đến mức “không biết ngượng”. Bệnh thì đã được “bắt trúng mạch” nhưng “bốc thuốc” để chữa thế nào là câu hỏi lớn và không chỉ dành riêng cho ngành giáo dục.
Bệnh thành tích bắt đầu từ những kẽ hở nhỏ nhất

Bài 1: Khi thầy mà dối, khó có trò trung thực

Ðiều đáng sợ nhất là sự dối trá xuất hiện trong một bộ phận không nhỏ những người thầy, nơi vốn dĩ được coi là “ngôi đền thiêng” của giáo dục.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói: “Chúng ta chưa trung thực trong giáo dục”.

Theo cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, sự “chưa trung thực trong giáo dục” được biểu hiện ở nhiều khía cạnh, liên quan tới nhiều đối tượng của ngành. Đáng sợ nhất khi sự dối trá xuất hiện trước hết ở một bộ phận không nhỏ những người thầy, họ sẵn sàng đạo văn, đạo giáo án, đề kiểm tra, đề thi… cho đến mượn tên tuổi người khác, bịa đặt học vị, bịa đặt cả nơi công tác danh giá nào đó, tự phong những danh xưng… nhằm tạo thương hiệu cho bản thân.

“Những người thầy như vậy sẽ rất khó tạo ra một thế hệ học trò trung thực. Có một hiện tượng là rất nhiều học sinh dùng văn mẫu thay cho tư duy độc lập, và đạt mọi danh hiệu từ những cái không phải của mình”, cô Trịnh Thu Tuyết chia sẻ.

Điều vô lý ở chỗ, nếu các em chép bài của bạn thì bị kết tội không trung thực khi thi; nhưng nếu học thuộc và sử dụng văn mẫu thì không ai nghĩ đó là gian dối, chỉ coi đó là một phương pháp học hiệu quả. Ngoài ra, cô Trịnh Thu Tuyết cho hay việc xin điểm, “chạy” điểm… cũng phải không là chuyện xa lạ trong trường học.

Sự không trung thực cũng không chỉ xuất hiện ở một số đối tượng giáo viên và học sinh mà khá quen thuộc trong những báo cáo thành tích hằng năm của các cấp lãnh đạo; xuất hiện ngay trong những hoạt động mang tính phong trào; những công việc hành chính sự vụ mất nhiều công sức nhưng ít tính hữu dụng về nội dung như viết sáng kiến kinh nghiệm, làm sổ sách hàng năm (và chủ yếu là chép từ năm trước hoặc chép của đồng nghiệp) - hoạt động kiểm tra sổ sách diễn ra đều đặn nhưng ở nhiều nơi cũng chỉ mang tính hình thức trong mọi nghĩa. Các kì thi học sinh giỏi quốc gia, từ thi học sinh giỏi hay thi tốt nghiệp THPT, hiện tượng lộ đề, lọt đề, và thậm chí tổ chức cả đường dây chạy điểm, sửa điểm… đã làm xói mòn niềm tin của cộng đồng.

“Nhiều kì thi giáo viên giỏi, sự không trung thực cũng diễn ra ngay trong tính chất biểu diễn của giờ dạy, từ thầy tới trò đã dạy thử, học thử trong sự đạo diễn và tập luyện thiếu sức sống thật với những háo hức, say mê, suy ngẫm, những sai sót, điều chỉnh, những xúc động, thăng hoa…”, cô Tuyết nói.

Bên cạnh đó, cô Trịnh Thu Tuyết khẳng định hiện tượng giáo viên dạy thêm học sinh của chính mình đã tạo ra sự bất bình đẳng như: Những mặc cảm bất công trong quan hệ thầy trò và tập thể lớp; Những ức chế tới bi kịch với những gia đình khó khăn; Sự diễn kịch rất giả dối khi một bộ phận học sinh trong lớp nghe lại những điều đã được giảng kĩ trong lớp học thêm - đóng tiền…; Những lá đơn “xin học thêm” mang hai chữ “tự nguyện” có tính hài hước…

Nhưng theo cô Tuyết, đáng sợ hơn của nạn dạy thêm là học trò phải nhìn thấy nhiều gương mặt và giọng nói của thầy trong các môi trường học khác nhau: ở giờ học chính khoá nghiêm khắc tới nghiệt ngã, giờ học thêm lại ngọt ngào yêu thương; thấy sự giả dối của những lời dạy về nhân văn nhân ái, về cái đẹp và sự tử tế của những người thầy.

Ðủ thứ “chạy”

Tại hội nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường, do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo) cho rằng, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực, văn hóa dạy và học biến dạng xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”, sau tốt nghiệp thì “chạy” vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc của học sinh, sinh viên và phụ huynh. Cùng với đó là tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên…

Theo ông Quát, đây thực sự là những “điểm nóng” của ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực trạng yếu kém này đã ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa học đường.

Trong khi đó, năm 2019, nhóm tác giả Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đưa ra những con số giật mình về bệnh thành tích trong giáo dục sau 2 năm thực hiện khảo sát nghiên cứu tại 4 tỉnh/thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên và Nghệ An). Kết quả, có 73% học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, giáo viên được hỏi cho rằng, bệnh thành tích được biểu hiện ở khía cạnh học sinh gian dối trong học tập cốt để có thành tích cao; hơn 48% ý kiến đồng ý với quan điểm có tình trạng nhờ can thiệp làm đẹp học bạ, hồ sơ để được khen thưởng hoặc được lên lớp. Đối với giáo viên, gần 38% đối tượng được khảo sát cho rằng, giáo viên thiếu trung thực trong đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp mình dạy/chủ nhiệm để được nhà trường công nhận danh hiệu thi đua. Đối với cha mẹ học sinh, 43,1% đánh giá họ xin điểm, chạy chứng chỉ, giấy khen giải thưởng cho con mình để có hồ sơ học tập đẹp, có thành tích cao hơn thực lực là phổ biến và tương đối phổ biến.

Bệnh thành tích đã làm mất niềm tin của xã hội vào giáo dục do đã tạo ra chất lượng giáo dục ảo, khiến cho người dân và xã hội không thể nhìn nhận được chính xác chất lượng của các cơ sở giáo dục.

Đối với các cấp lãnh đạo, 50% các chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên cho rằng, có tới 4 biểu hiện của bệnh thành tích như chỉ đạo để đạt các chỉ tiêu thi đua; báo cáo thiếu trung thực với cấp trên và cha mẹ học sinh; dung túng, tạo điều kiện cho cấp dưới thổi phồng, ngụy tạo thành tích, che giấu những hạn chế yếu kém để nhà trường đạt danh hiệu thi đua; “vận động” cấp trên và những người có chức, quyền để lấp liếm những yếu kém, hạn chế của cá nhân cũng như của nhà trường để nhà trường đạt danh hiệu thi đua. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, chính quyền địa phương cũng góp phần tạo ra bệnh thành tích trong giáo dục.