Bảo vật của di sản vịnh Hạ Long đang chìm dần

TP - Nơi lưu giữ cuối cùng những “bảo vật” văn hóa các làng chài nổi trên di sản vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đang xuống cấp trầm trọng. Hàng loạt ngôi nhà xiêu vẹo chực chờ sập, nhiều hạng mục hỏng hóc ngập trong nước biển vẫn đang được tỉnh Quảng Ninh tận thu làm điểm du lịch…

Còn đâu làng chài cổ đẹp nhất thế giới

Các chuyên trang, tổ chức uy tín thế giới xếp hạng nằm trong top những ngôi làng đẹp nhất thế giới, làng chài Cửa Vạn được du khách trong và ngoài nước biết đến như một ngôi làng cổ tích thần tiên nằm lênh đênh, ẩn sâu trong vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Đến làng chài, du khách được ví như lạc vào chốn thần tiên với những ngôi nhà nổi đầy màu sắc nằm san sát nhau dưới chân núi cùng những cư dân của di sản rất hiếu khách, làng chài Cửa Vạn liên tục được các chuyên trang du lịch, văn hóa, giáo dục của thế giới bình chọn là ngôi làng độc nhất vô nhị.

Cửa Vạn được biết đến như một làng cổ tích ẩn sâu trong vùng lõi Di sản vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Dương

Thế nhưng, đấy là câu chuyện của hàng chục năm trước khi chưa có dự án của tỉnh Quảng Ninh “xóa sổ” các làng chài trên vịnh Hạ Long.

“Chúng tôi bất lực khi nhìn thấy những di sản này dần hoang phế. Với góc độ canh giữ, bảo vệ, chúng tôi không có đủ thẩm quyền để trùng tu, sửa chữa. Ngôi làng đang chìm dần và nhất là mùa mưa bão đang đến gần. Nếu cấp trên không có hướng xử lý nhanh chắc chắn những ngôi nhà này sẽ không tồn tại được lâu nữa”.

Đại diện quản lý Trung tâm bảo tồn

Với lý do bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản, các nhà chức trách của Quảng Ninh thời bấy giờ đã quyết định di dời hàng nghìn hộ dân từ các làng chài nổi trên vịnh Hạ Long lên bờ. Năm 2014, dự án này được gấp rút hoàn thành và trở thành một cuộc di dân lịch sử của Quảng Ninh.

Trước đó, năm 2003 chính phủ Na Uy tài trợ một khoản tiền hơn 400 nghìn USD để tạo ra một trung tâm bảo tồn văn hóa nổi bao gồm những ngôi nhà, hiện vật thể hiện đời sống văn hóa, tâm linh của ngư dân vịnh Hạ Long. Dự án đã lưu giữ được những “bảo vật” quý giá của nền văn hóa cổ xưa có hơn 3.500 năm của các ngư dân làng chài nơi này.

Năm 2017, UBND TP Hạ Long quyết định trích một phần nhỏ tiền từ phần thu bán vé thăm quan vịnh Hạ Long để bảo dưỡng, trùng tu Trung tâm bảo tồn này. Nhưng những vật liệu được sử dụng để trùng tu, thay thế không phù hợp khiến những công trình này nhanh chóng xuống cấp.

Hệ thống khung dầm của ngôi nhà chính khu bảo tồn bị mục ruỗng, trơ phần gỉ sét.

Mặc dù liên tục được bình chọn là làng chài cổ đẹp nhất thế giới nhưng trên thực tế, từ lâu làng chài Cửa Vạn đã trở thành ngôi làng bỏ hoang vì quy định của nhà chức trách địa phương nghiêm cấm cư dân lưu trú qua đêm tại làng chài. Vì vậy, chỉ một số ít cư dân cũ của làng chài được quay lại làm nghề chèo đò đưa khách đi tham quan hoặc những diễn viên quần chúng được thuê biểu diễn lại những nét văn hóa như hát giao duyên, hát chèo đường, đua thuyền rồng... Họ cũng chỉ sáng đi tối về chứ không được ở lại làng chài.

Mỗi năm di sản vịnh Hạ Long thu hàng nghìn tỷ từ việc bán vé tham quan, trong đó làng chài Cửa Vạn cũng là một trong những điểm tham quan được bán vé. Toàn bộ số tiền này sẽ được trích lại cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long khoảng 11% để phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long. Phần còn lại khoảng 89% được thành phố Hạ Long giữ lại để chi tiêu.

“Chúng tôi có cảm giác như bị lừa khi đến thăm làng chài Cửa Vạn. Nói đúng hơn, đây là một ngôi làng bị bỏ hoang, không có dân cư sinh sống. Những ngôi nhà cũ nát lưu giữ một vài hình ảnh, ngư cụ của cư dân làng chài. Chúng tôi còn không dám bước lên vì sợ rơi xuống biển bởi không có sự an toàn ở những căn nhà này”, một du khách đến từ Anh phản ánh.

Đối với những nhà quản lý tại đây, nhiều lúc họ cũng không muốn mở cửa đón khách vì rất nhiều hạng mục của khu bảo tồn nổi đã xuống cấp trầm trọng. Chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ gây tai nạn khó lường đối với du khách khi đến thăm ngôi làng. Nhiều lần họ đã gửi kiến nghị, báo cáo, đề xuất lên cấp trên để có hướng xử lý nhưng nhiều năm nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Làng chài đang chìm

Mục sở thị tại Trung tâm bảo tồn văn hóa nổi Cửa Vạn, phóng viên Tiền Phong không khỏi xót xa bởi cảnh hoang tàn của ngôi làng được mệnh danh đẹp nhất thế giới. Hàng loạt ngôi nhà xiêu vẹo nổi trên mặt nước đang chực chờ sập xuống bất cứ lúc nào. Nhiều ngôi nhà khác đã chìm một phần xuống nước, người quản lý ở đây phải đặt biển báo và dùng dây chằng tạm để ngăn du khách đến những khu vực nguy hiểm.

Lớp học của trẻ em làng chài trước đây đang chìm dần. Ảnh: Hoàng Dương

Được UBND TP Hạ Long trùng tu, sửa chữa vào năm 2017, nhưng những vật liệu được sử dụng để thay thế không còn giữ được hình hài nguyên vẹn. Hệ thống khung dầm của ngôi nhà chính bảo tàng đã bị mục ruỗng, các thanh sắt bị nước biển ăn mòn chỉ còn trơ phần gỉ sét. Phần gỗ lát sàn tấm còn tấm mất để lộ những khoảng không sâu hoắm nhìn thấy đáy vịnh.

Đi trên sảnh của dãy nhà bảo tồn, phóng viên không dám bước mạnh chân vì phần gỗ bên dưới sàn mục nát không khác gì những chiếc bẫy luôn rình rập. Người quản lý khu bảo tồn luôn nhắc nhở phải cực kỳ cẩn thận vì những khu vực này từ lâu đã cấm không cho du khách đến tham quan.

Đặc biệt xuống cấp là khu bảo tồn những lớp học của trẻ em làng chài, trong đó có cả phòng ở của các giáo viên đã bị chìm hẳn phần sàn xuống nước. Hệ thống phao xốp nổi của các ngôi nhà bị thủng, khiến phần ngập nước của ngôi nhà ngày càng sâu. Chỉ cần một tác động mạnh chắc chắn toàn bộ khu nhà bảo tồn sẽ chìm xuống đáy vịnh.

Cửa Vạn được biết đến như một làng cổ tích ẩn sâu trong vùng lõi Di sản vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Dương

“Chúng tôi bất lực khi nhìn thấy những di sản này dần hoang phế. Với góc độ canh giữ, bảo vệ, chúng tôi không có đủ thẩm quyền để trùng tu, sửa chữa. Ngôi làng đang chìm dần và nhất là mùa mưa bão đang đến gần. Nếu cấp trên không có hướng xử lý nhanh chắc chắn những ngôi nhà này sẽ không tồn tại được lâu nữa”, đại diện quản lý Trung tâm bảo tồn chia sẻ.

Được biết, mỗi năm di sản vịnh Hạ Long thu hàng nghìn tỷ từ việc bán vé tham quan, trong đó làng chài Cửa Vạn cũng là một trong những điểm tham quan được bán vé. Toàn bộ số tiền này sẽ được trích lại cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long khoảng 11% để phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long. Phần còn lại khoảng 89% được thành phố Hạ Long giữ lại để chi tiêu.

“Họ đang sống nhờ phần nhiều vào vịnh Hạ Long nhưng việc lưu giữ, phát huy hồn cốt của di sản gần như không được quan tâm đúng mức. Kế hoạch chi tiêu hàng năm của thành phố này ít khi thấy nhắc đến việc bảo tồn di tích làng chài hay trùng tu bảo dưỡng những gì còn sót lại. Thiết nghĩ, nếu họ không làm được thì thử kêu gọi tư nhân tự bỏ tiền đầu tư, phục hồi xem có ai làm không?”, cụ Phạm Ngọc Thực, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Quảng Ninh nói.