Những thông tin về việc CIA thành lập Trung tâm Nhiệm vụ Trung Quốc hôm 7/10 đang gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc. Giám đốc CIA William Burns khi đó nói rằng mục đích hoạt động của trung tâm này là đối phó với “mối đe doạ địa - chính trị nghiêm trọng nhất” của thế kỷ này.
Một video được báo chí chính thống Trung Quốc chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội mấy ngày qua nói rằng CIA đang tuyển các đặc vụ nói tiếng Trung, có thể hiểu tiếng Quan thoại hoặc tiếng Quảng Đông, Thượng Hải và Khách Gia.
Thông báo thành lập trung tâm mới của CIA được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Zurich, sự kiện được coi như dấu hiệu cho thấy quan hệ hai bên bắt đầu tan băng.
Tài khoản Weibo của nhật báo Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cơ quan ngôn luận chính thức của lực lượng vũ trang nước này, gọi đơn vị của CIA là một thế lực thù địch nước ngoài. Báo này đề cập: “Với việc trắng trợn tuyển dụng các đặc vụ mới, cơ quan tình báo Mỹ chắc chắn có những phương pháp thâm độc và không thể chịu đựng được”.
Tuy nhiên, bài viết khẳng định: “Không có con cáo gian xảo nào có thể thắng thợ săn giỏi. Để duy trì an ninh quốc gia, chúng ta chỉ cần tin tưởng và dựa vào nhân dân”.
Bài viết kêu gọi người dân Trung Quốc ủng hộ nhiều hơn và nói rằng cần “một cuộc chiến của nhân dân” để bảo vệ đất nước trước những rủi ro và “khiến những tên gián điệp không thể hoạt động hay ẩn náu”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trước đó đã chỉ trích bước đi của CIA, gọi đây là “triệu chứng điển hình của tư tưởng Chiến tranh Lạnh”.
Việc thành lập một đơn vị chuyên về Trung Quốc trong CIA được đánh giá là một bước đi muộn màng, phản ánh ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, việc CIA chuyển trọng tâm chú ý vào Trung Quốc gợi nhớ đến sự sụp đổ của Liên Xô cách đây 30 năm, gây lo ngại về một cuộc “cách mạng màu” – cách gọi chỉ hàng loạt cuộc nổi dậy thời hậu Liên Xô cách đây hơn 1 thập kỷ.
Thông báo thành lập trung tâm mới của CIA được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Zurich, sự kiện được coi như dấu hiệu cho thấy quan hệ hai bên bắt đầu tan băng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình CGTN tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) bày tỏ hoài nghi về sự chân thành của Tổng thống Biden sau khi ông cam kết “không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” với Trung Quốc. Ông Lạc cũng chỉ trích những nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
“Về quốc tế, Mỹ tạo ra hết lộn xộn này đến lộn xộn khác thông qua ‘cách mạng màu’ và ‘chuyển đổi dân chủ’”, ông Lạc nói nhưng không đề cập đến trung tâm mới của CIA.
Trong những năm qua, giới chức Trung Quốc luôn đề cao cảnh giác trước hoạt động của gián điệp nước ngoài và kêu gọi người dân hỗ trợ phát hiện những hoạt động do thám đáng ngờ.
Sau khi công bố hướng dẫn cụ thể vào tháng 4 năm nay, Bộ An ninh Trung Quốc cho biết trong năm 2020 đã ghi nhận số vụ do thám về kinh tế và tài chính tăng 7 lần so với 5 năm trước đó.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thành lập Trung tâm Nhiệm vụ Trung Quốc được tin là do Trung Quốc tăng cường hoạt động do thám ở Mỹ, trong khi hoạt động của CIA ở Trung Quốc suy giảm.
Năm 2017, báo New York Times có bài viết nói rằng hoạt động do thám của CIA ở Trung Quốc chịu thiệt hại nghiêm trọng từ năm 2010-2012 "với ít nhất hơn chục nguồn tin của CIA biến mất".
Robert Baer, một cựu sĩ quan của CIA, thừa nhận rằng cách đây 1 thập kỷ, nhiều đặc vụ của cơ quan này ở Bắc Kinh không thể nói tiếng Quan thoại.
Leon Panetta, cựu giám đốc CIA và là bộ trưởng quốc phòng dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, nói với Politico rằng Trung Quốc “vẫn là mục tiêu rất khó thâm nhập, nên việc thành lập một trung tâm chú trọng thực sự vào Trung Quốc là điều nên làm”.
Leon Panetta, cựu giám đốc CIA và là bộ trưởng quốc phòng dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, cho rằng Trung Quốc “vẫn là mục tiêu rất khó thâm nhập, nên việc thành lập một trung tâm chú trọng thực sự vào Trung Quốc là điều nên làm”.