Bảo tồn trang phục dân tộc, cần nhưng thế nào?

TP - Bộ trưởng VHTTDL duyệt chi 230 tỷ đồng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống 53 dân tộc thiểu số, tuy nhiên còn một số băn khoăn.
Đầu tư 230 tỷ đồng bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc thiểu số. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

LO MAI MỘT

Trong số 230 tỷ đồng phê duyệt dự án này, 51 tỷ đồng đến từ ngân sách trung ương, còn lại là nguồn ngân sách địa phương cho giai đoạn 2019-2030. Mục tiêu nhằm đưa trang phục các dân tộc thiểu số phổ biến hơn trong đời sống.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá Dân tộc (Bộ VHTTDL) nêu thực trạng trang phục dân tộc thiểu số bị biến dạng, mất gốc. Một số khảo sát của các tỉnh cho thấy, tỷ lệ mặc trang phục dân tộc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Tày, Sán Dìu, Nùng, Thổ, Ba Na chỉ còn từ 5-15%. Thậm chí đồng bào Chứt ở Hà Tĩnh không có trang phục dân tộc, ngày thường họ mặc theo trang phục Kinh, ngày lễ tết mặc trang phục dựa trên cơ sở người Chứt ở tỉnh khác.

Trong một số cuộc tiếp xúc với nghệ nhân và đồng bào dân tộc thiểu số tại Bộ Văn hóa, nỗi lo mai một tiếng nói, chữ viết, trang phục nhiều lần được bàn thảo và lấy ý kiến. Cuộc sống hiện đại kéo theo hàng loạt thay đổi về tập tục sinh hoạt khiến nhiều giá trị truyền thống bị mai một. Chính vì thế, lãnh đạo Vụ Văn hóa Dân tộc kỳ vọng đề án khơi dậy niềm tự hào của lớp trẻ về trang phục truyền thống của họ, để trang phục có sức lan tỏa hơn trong đời sống.

Đề án bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc thiểu số đưa ra một số mục tiêu về tôn vinh, kiểm kê, bảo tồn và phát huy. Đến năm 2022 học sinh trường dân tộc nội trú mặc trang phục dân tộc truyền thống tối thiểu hai buổi mỗi tuần, vào dịp lễ tết. Đến 2025 hoàn thành kiểm kê và xếp hạng 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công, trang trí hoa văn trang phục dân tộc thiểu số, tiến tới khôi phục trang phục ba dân tộc mai một. Dự kiến 5-10 nghệ nhân liên quan trang phục dân tộc được vinh danh nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.

Đề án đặt mục tiêu tới 2030 vinh danh thêm 20-30 nghệ nhân, xếp hạng thêm 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó là mở các lớp truyền dạy kỹ năng bảo tồn trang phục truyền thống, bởi nhiều dân tộc gần như không còn nghệ nhân thực hành. Bộ sẽ tổ chức các liên hoan trình diễn trang phục dân tộc thiểu số, ngày hội văn hóa dân tộc, ngày hội thổ cẩm cũng như xây dựng kho dữ liệu giới thiệu trang phục.

KHẢ THI ÐẾN ÐÂU?

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam khẳng định đề án khả thi, tuy nhiên mục tiêu cần điều chỉnh khác đi một chút. Ông cho rằng nên giới hạn ở các môi trường bảo tồn như đề án nêu, nên đề nghị bà con mặc trang phục dân tộc trong dịp lễ tết, ngày hội và tại các điểm du lịch. “Tưởng tượng mà xem, nếu Sa Pa không có bóng dáng trang phục dân tộc của người Mông, Dao… chắc chắn không còn sức hút nữa”, ông Sơn nói.

Các nhà nghiên cứu dân tộc lưu ý không nên cực đoan cho rằng đời sống hiện đại khiến trang phục dân tộc thiểu số ngày càng bị thu hẹp thì không bảo tồn nữa, càng không nên nghĩ phải bảo tồn nguyên trạng một cách máy móc. “Cần lưu ý tới xu hướng phát triển và quy luật để bảo tồn theo hướng có những loại cần nguyên trạng, có trang phục chấp nhận sự sáng tạo và cách tân theo nhu cầu của người sử dụng và có độ lùi thời gian để nhìn nhận giá trị”, TS. Trần Hữu Sơn nói.

“Tưởng tượng mà xem, nếu Sa Pa không có bóng dáng những trang phục dân tộc của người Mông, Dao... chắc chắn không còn sức hút nữa”, TS TRẦN HỮU SƠN 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phân tích, bảo tồn trang phục dân tộc không đơn thuần là chuyện mặc, cần để ý tới giá trị văn hóa của trang phục trong đời sống. Trang phục không bất biến mà thay đổi theo tiến trình giao thoa và tiếp biến văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác, vì vậy lãnh đạo Bộ cho rằng việc bảo tồn trang phục gặp không ít thách thức.

“Để đề án có tính khả thi cao, tôi cho rằng cần thực hiện các nhiệm vụ sao cho trang phục thực sự sống trong cộng đồng”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói. Bên cạnh đưa vào bảo tàng, số hóa dữ liệu để bảo tồn tĩnh, lãnh đạo Bộ lưu ý tới các giải pháp để bảo tồn và phát huy trang phục trong đời sống dựa trên sự phát triển của nhu cầu và điều kiện từng vùng miền, dân tộc.

Theo đó các nhà nghiên cứu, quản lý và cộng đồng có thể sáng tạo, cách tân cần thiết trên trang phục truyền thống để ứng dụng trong đời sống hiện nay nhưng không thể quá xa rời yếu tố truyền thống. “Bên cạnh việc triển khai theo lộ trình của đề án, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phân tích, khơi gợi niềm tự hào cho thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số hiểu được giá trị trang phục truyền thống. Có như vậy lớp trẻ mới có ý thức, tự hào về di sản của cha ông trao truyền bao đời”, Thứ trưởng Thủy nói.

“Bên cạnh việc triển khai theo lộ trình của đề án, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phân tích, khơi gợi niềm tự hào cho thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số hiểu được giá trị trang phục truyền thống. Có như vậy lớp trẻ mới có ý thức, tự hào về di sản của cha ông trao truyền bao đời”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy